BTO-Ngày 24/11, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có chuyến kiểm tra, nghiệm thu kết quả triển khai mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng (đối với các loài cây có thị trường tiêu thụ) năm 2023.
Theo đó, ông Trương Đình Sỹ – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra, nghiệm thu kết quả triển khai mô hình trồng cây Sâm bố chính tại Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Phan Điền; Nấm lim xanh tại BQL RPH Sông Móng – Ka Pét và cây khoai mài tại BQL Khu Bảo tồn thiên niên Tà Cú…
Kết quả kiểm tra, nghiệm thu cho thấy, đến nay mô hình đã hoàn thành trồng, chăm sóc cây dược liệu dưới tán rừng với quy mô diện tích là 1,8 ha theo đúng thiết kế, biện pháp kỹ thuật được duyệt. Bao gồm 1 ha Sâm bố chính dưới tán rừng tự nhiên tại Tiểu khu 120C, xã Phan Điền, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90% sau 1 tháng trồng, 85% sau 6 tháng trồng; 0,1 ha khoai mài dưới tán rừng tự nhiên tại tiểu khu 300, xã Thuận Quý, thuộc lâm phận BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, hiện cây sinh trưởng, phát triển rất tốt, tỷ lệ sống đạt 95% sau 1 tháng trồng, 90% sau 6 tháng trồng; 0,1 ha Nấm lim xanh dưới tán rừng tự nhiên thuộc lâm phận BQL RPH Sông Móng- Ka Pét, tại tiểu khu 257, xã Mỹ Thạnh, Hàm Thuận Nam thời điểm này phát triển khá tốt, đạt tỷ lệ sống 90% sau 1 tháng trồng, giảm còn 85% sau 6 tháng trồng. Riêng 1,5 ha trà hoa vàng trồng tại lâm phận BQL RPH Đức Linh dự kiến nghiệm thu trong ngày 28/11 tới.
Thông qua mô hình, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, phôi nấm lim xanh trên gỗ cao su có thể tạo nấm trong 2 -3 chu kỳ (mỗi chu kỳ khoảng 3 tháng) khi được chăm sóc đủ ẩm, độ che phủ. Do đó, đơn vị kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét bố trí kinh phí chăm sóc, tưới tạo ẩm trong năm 2024 để tiếp tục thực hiện mô hình.
Được biết, mô hình có tổng kinh phí 500 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp lâm nghiệp, do Chi cục Kiểm lâm làm chủ đầu tư. Đến thời điểm này tổng kinh phí đã giải ngân 300 triệu đồng, đạt 60% so với tổng kinh phí được duyệt. Hiện đơn vị đang tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại như bảo vệ, thu hoạch sản phẩm, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trồng…
Mục tiêu dự án nhằm phân tích, đánh giá hiệu quả của mô hình và triển vọng nhân rộng cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân địa phương về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ cho người dân. Đồng thời, góp phần cơ cấu lại sản xuất trên lĩnh vực lâm nghiệp phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.