Quá trình hình thành và phát triển của du lịch Bình Thuận là cả một chặng đường dài. Đó là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân. Sự ủng hộ của các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước đã đến góp sức cho sự phát triển của du lịch Bình Thuận.
Thế nhưng trên hết đó là sự quan tâm và đường lối đúng đắn của Đảng, mà cụ thể là Nghị quyết 06 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành. Những mục tiêu cụ thể, những chính sách định hướng và các giải pháp chiến lược kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Bình Thuận cất cánh.
Tạo đường băng
Trở lại thời điểm của năm 2019, khi đó ngành du lịch Bình Thuận đón trên 6,4 triệu khách, doanh thu 15.000 tỷ đồng; năm 2020 đón 3,2 triệu khách, doanh thu 9.400 tỷ đồng và đến năm 2021 chỉ còn 1,7 triệu khách với doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng. So sánh những con số trên để thấy rằng, ngành du lịch Bình Thuận đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Làm thế nào để phục hồi và phát triển ngành du lịch trở lại? Một bài toán khó nhưng rất cần lời giải đáp một cách thỏa đáng. Trước yêu cầu thực tiễn trên, ngày 24/10/2021 Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quyết tâm cao nhất là tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch cũng như mở ra giai đoạn phát triển mới với nhiều kỳ vọng. Nghị quyết 06 định hướng chiến lược là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh ủy Bình Thuận đã yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó quy hoạch định hình lại không gian phát triển du lịch ở một số khu vực ven biển và các khu vực tiềm năng để kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cao cấp… Nghị quyết cũng đã đề ra những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19. “Điểm rơi” đúng lúc, đúng thời điểm của Nghị quyết như một đòn bẩy giúp cho ngành du lịch vượt qua được khó khăn, phát huy được tiềm năng, thế mạnh đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
Sau hơn 2 năm thực hiện, những nội dung quan trọng của Nghị quyết 06 đã được triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Toàn bộ hệ thống chính trị Đảng, chính quyền, đoàn thể, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chung tay, góp sức tạo đà phát triển cho ngành du lịch. Tất cả những hành động quyết liệt này đã tạo nên một bộ mặt mới cho ngành du lịch Bình Thuận. Thể hiện rõ qua các con số ấn tượng như: Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 16,28%/năm (trong đó: khách quốc tế tăng bình quân 2,07 lần/năm, khách nội địa tăng bình quân 14,8%/năm). Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 16,56%/năm. Năm 2022, toàn tỉnh đã đón 5,7 triệu lượt khách (trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 1,5%); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 13,7 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 7,04%. Năm 2023 (tính đến tháng 10/2023), toàn tỉnh đã đón 7,3 triệu lượt khách (trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 2,9%); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 18,8 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt khoảng 8,77%. Đặc biệt, lần đầu tiên Bình Thuận vào top 9 địa phương dẫn đầu trong cả nước có doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2023 với mức thu trên 10.000 tỷ đồng trở lên. Về đích trước thời hạn mục tiêu đón khách năm 2023 với gần 7 triệu lượt khách, vượt 3,93% kế hoạch năm, tăng 75,8% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, năm 2023, Bình Thuận là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh”. Bình Thuận đã tổ chức nhiều hoạt động với nhiều sự kiện, lễ hội diễn ra liên tục khắp các địa phương trong tỉnh và trải dài khắp 41 tỉnh, thành trong cả nước, được đông đảo nhân dân, du khách tích cực tham gia hưởng ứng và tạo không khí vui tươi phấn khởi.
Mở lối cho giai đoạn tiếp theo
Những kết quả đạt được, khẳng định cho chủ trương đúng đắn từ Nghị quyết 06. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế ngành du lịch của Bình Thuận vẫn gặp nhiều khó khăn và hạn chế khi mà cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế. Thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với du lịch vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao chưa mạnh. Tình hình triển khai các dự án du lịch tại một số khu vực còn chậm, chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức của một số người dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch về phát triển du lịch bền vững còn hạn chế. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và chất lượng. Sản phẩm du lịch tuy có bước cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch. Vệ sinh môi trường một số nơi chưa tốt, nhất là tình trạng rác thải, nước thải tại các khu du lịch, bãi biển và các khu dân cư, các điểm sinh hoạt công cộng…
Để tiến gần hơn và đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 06 đã đề ra, Bình Thuận sẽ thực hiện hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch – Tập trung xây dựng hoàn thành và tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Tổ chức thành công các hoạt động còn lại trong Năm Du lịch quốc gia 2023. Ngoài ra, khẩn trương hoàn thành xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Phát triển kinh tế đêm của tỉnh đến năm 2030. Xây dựng hình thành hệ sinh thái du lịch Bình Thuận hướng tới tiêu chí “An toàn – thân thiện – chất lượng”. Bên cạnh đó, Bình Thuận sẽ hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch: Cảng hàng không Phan Thiết (hạng mục hàng không dân dụng), các tuyến đường giao thông, kè chắn sóng, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung… tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút và triển khai các dự án du lịch. Đồng thời, kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn, nhất là đầu tư các dự án có quy mô lớn, đầu tư khu vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm mua sắm phục vụ phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, loại hình dịch vụ du lịch và quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực du lịch cả về chất và lượng.
Có thể nói, những kết quả đã đạt được sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 06 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành, du lịch Bình Thuận đang hướng tới tương lai bằng sự tự tin của một điểm đến mang tầm quốc gia và quốc tế.