Chiều 8/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại Tổ 15.
Đa số các ý kiến tại Tổ 15 nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tham gia góp ý liên quan đến tài sản đấu giá, đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nhất trí với cách tiếp cận, cách đặt vấn đề về tài sản đấu giá như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên theo đại biểu, quy định như vậy sẽ có hạn chế sợ trùng lắp và không thể bao quát hết được các trường hợp xảy ra nhưng nếu không quy định trong văn bản này, trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ có những khó khăn.
Về quyền nghĩa vụ của đấu giá viên, đại biểu Trần Hồng Nguyên nhất trí với dự thảo luật là bổ sung điểm d, khoản 2, Điều 19 nội dung quy định đấu giá viên phải tham gia bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định. Theo đại biểu, quy định này là cần thiết tuy nhiên cần phải rà soát lại và làm rõ mối quan hệ của việc bổ sung quy định này với quy định tại Điều 21 của Luật Đấu giá tài sản. Đại biểu cũng đề nghị rà soát quy định tại Nghị định số 62 năm 2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu giá tài sản. Tại khoản 3, Điều 4 có quy định người được cấp thẻ đấu giá viên không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng thừa phát lại. Theo đại biểu, nội dung của Nghị định này cần phải được đưa vào dự thảo luật vì theo quy định của Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể hạn chế theo quy định của luật. Hiện nay nội dung quy định này đang được quy định ở Nghị định, cùng với việc sửa đổi bổ sung Luật Đấu giá tài sản thì việc đưa nội dung này vào là phù hợp. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát tránh trùng lặp.
Liên quan đến việc bãi bỏ một số điều, điểm, khoản trong dự án luật, đại biểu Trần Hồng Nguyên nhất trí với cách đặt vấn đề của Chính phủ. Tuy nhiên qua nghiên cứu, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá kỹ, đầy đủ các tác động đối với việc bỏ từng quy định cụ thể của Luật Đấu giá tài sản để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, đồng thời không tạo khoảng trống pháp lý trong quá trình thực thi.
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh góp ý cụ thể Điều 4 – Tài sản đấu giá. Theo đó, dự thảo luật quy định có 18 nhóm tài sản thuộc 18 nhóm lĩnh vực đưa vào diện đấu giá, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh quy định như dự thảo luật tại mục này rất rộng, vẫn còn chung chung, phần lớn đã ghi là tài sản theo quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị tại điều khoản này nên rà soát, thể hiện lại rõ ràng và bổ sung thêm điều khoản quy định đó là: “Chính phủ quy định chi tiết điều này để có cơ sở pháp lý chắc chắn để thực hiện”.
Mặt khác, tại điểm O có quy định nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh cần làm rõ hơn về quy định nợ xấu trong đấu giá bởi đây là vấn đề lớn, có tính đặc thù nên cần phải có những quy định riêng cho nội dung này và sắp xếp lại các điểm cho khoa học.
Về Điều 5 – Cổng đấu giá tài sản quốc gia, tại khoản 13, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị cần quy định rõ hơn về chức năng nhiệm vụ của Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Bên cạnh đó cần phải bổ sung quy định về thành lập các sàn đầu tư đấu giá tài sản ở các địa phương để thúc đẩy các hoạt động đấu giá tài sản nhằm nâng cao tính minh bạch, công khai, giảm chi phí thủ tục như các hình thức thông thường hiện nay…
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ phát biểu góp ý
Góp ý tại Điều 4 – Về tài sản bán đấu giá, theo ĐBQH tỉnh Bình Thuận – Đặng Hồng Sỹ, trong dự thảo luật phải liệt kê các loại tài sản. Đại biểu cơ bản thống nhất trong dự thảo này là đưa ra 18 loại tài sản và một điều ở điểm F là các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán đấu giá. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cũng nghiên cứu tính toán để không sót những tài sản mà dù pháp luật hiện nay chưa quy định nhưng mà mình phải tính toán để mà xem xét đấu giá.
Mặt khác, theo đại biểu Đặng Hồng Sỹ, một vấn đề rất lớn được bàn nhiều nhưng chưa xác định thương hiệu, đó là sở hữu trí tuệ. Đây là tài sản vô hình nhưng chính thương hiệu này đã tạo ra giá trị rất lớn, do vậy đại biểu đề nghị cần nghiên cứu tính toán trong đấu giá tài sản có đấu giá thương hiệu không?. Theo đại biểu lý giải, trong thực tế có nhiều doanh nghiệp khi bán đấu giá rồi cổ phần hóa thoái vốn thì thương hiệu Nhà nước đã gầy dựng bao nhiêu năm sẽ bị mất đi mà không được tính vào tài sản…
Ngoài ra, đại biểu bày tỏ quan tâm đến diện tích mặt nước, đặc biệt là diện tích mặt nước biển. Đại biểu đề nghị nên xem xét tính toán đấu giá, vì có những vị trí diện tích mặt nước biển cần thiết có nhiều nhà đầu tư có hiệu quả để kinh doanh các ngành dịch vụ giải trí hoặc sản xuất công nghiệp,… Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu tính toán tài sản trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm tịch thu được để không lãng phí…