Một lớp học không có máy chiếu, không giấy mực, cũng chẳng bó gọn trong phòng học quy củ nhất định, mà ở đó suốt cả buổi, đôi bàn tay của cả người truyền nghề và học viên đều lấm lem bùn đất. Ở đó chỉ có tiếng nói và rộn ràng niềm vui. Đó là lớp học đặc biệt ngay giữa làng nghề gốm Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình) dành cho con em trong làng.
Học nghề
Nắng xuyên qua lớp dù che tạm khiến gương mặt chị Tiền Thị Kim Lài đỏ lên và chảy dài những giọt mồ hôi. Dường như các giác quan đều đang tập trung vào chiếc nồi đặt trên bàn nặn. Đôi chân di chuyển chậm, nhịp nhàng với động tác vuốt lên hình khối bằng các đầu ngón tay. Động tác chạm rất nhẹ, mượt mà. Đây là sản phẩm thứ 10 sau buổi học đầu tiên, vượt qua khỏi mục tiêu chị đặt ra. “Sinh ra giữa làng gốm truyền thống Bình Đức, nhưng tôi chỉ biết các công đoạn đơn giản nhất như cạo đất, trang trí màu, còn bây giờ mới biết làm nồi, làm bình. Đây quả thật là những công đoạn khó, bởi ngay cả cách cầm nắm đất cũng phải gọn mới tạo được hình sản phẩm, đôi chân lùi đều để sản phẩm không bị méo. Thêm nữa, các sản phẩm gốm thủ công không có bàn xoay, vì thế phải di chuyển nhiều vòng tròn liên tục nên ban đầu khá choáng”, chị Tiền chia sẻ.
Lớp học do Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp UBND xã Phan Hiệp mở dạy, diễn ra từ ngày 1 – 4/11/2023. Học viên được thực hành nghề trực tiếp và đi trải nghiệm, học tập kỹ thuật làm gốm mỹ nghệ tại làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Đây là một hoạt động của Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh. Điều khá thú vị bởi cả 5 người truyền dạy và 35 người học nghề đều là người dân trong làng Bình Đức. Người học thuộc nhiều nhóm tuổi khác nhau, trong đó có em mới 13 tuổi. Điều đó cho thấy từng học viên đăng ký tham gia đều ý thức được trách nhiệm của mình trong việc học để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.
Theo dõi lớp học, bà Nguyễn Thị Huyền Trang – Phó Chủ tịch UBND xã Phan Hiệp không giấu được niềm vui vì đây không chỉ là lớp dạy nghề cho phụ nữ, mà còn góp phần gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào. Khi hiện nay số hộ gắn bó với nghề gốm truyền thống ở xã không còn nhiều. Hiện chỉ còn 43 hộ (chiếm khoảng 11% số hộ người Chăm trong thôn) với 46 người còn làm duy trì nghề thường xuyên. Đa số hộ theo nghề đều đã lớn tuổi, nếu không được trao truyền giữa các thế hệ thì nghề gốm của làng sẽ bị mai một và mất đi trong thời gian không xa.
Những đôi bàn tay di sản
Nhìn đôi tay của các bà, các chị, các em nhào đất, tạo hình, kéo miệng, trang trí… mới thấy để cầm trên tay một thành phẩm không hề đơn giản, nếu như không có sự khéo léo và tỉ mẩn của người làm nghề. Nghệ nhân Lâm Hùng Sổi cho biết: “Những khó khăn trong nghề gốm và cơ chế thị trường đã tác động, làm cho những người thợ trẻ giảm đi lòng đam mê, yêu nghề, thiếu tính cần cù, chịu khó. Vì thế được truyền nghề cho lớp trẻ là điều khiến ông rất vui, để những người con trong làng Chăm Bình Đức và ai đam mê với gốm truyền thống nắm chắc kỹ thuật thực hành nghề”.
Sinh ra giữa làng gốm, từ nhỏ những đứa trẻ của làng đã được “ngụp lặn” với các trò chơi tạo hình với đất. Vì thế theo các nghệ nhân, việc học và làm các sản phẩm gốm truyền thống không khó, mà cái khó nhất đòi hỏi người học phải có lòng đam mê, yêu nghề thực sự, cần cù, chịu khó. Chỉ cần hội đủ những yếu tố đó là trong khoảng thời gian vài ba tháng, người thợ có thể làm được những sản phẩm từ đơn giản như khương, dụ, hỏa lò, khuôn bánh xèo, khuôn bánh căn đến nhóm có kỹ thuật hơn như nồi, ấm, lu, chum lớn, chum nhỏ, chậu, ống nhổ…
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022. Cùng với niềm vui, niềm tự hào, chính quyền cùng cộng đồng người Chăm trong làng Bình Đức ý thức được trách nhiệm trong việc chung tay cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Vì thế các lớp học truyền nghề, dạy nghề sẽ là động lực cho những bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp hướng tới khai thác thế mạnh du lịch của địa phương.
“Đời sống của làng gắn bó với nghề. Sản phẩm gốm Chăm truyền thống lại có những tính năng đặc biệt trong văn hóa ẩm thực. Vì thế nghề gốm truyền thống sẽ không thể mai một, đời này vẫn sẽ tiếp nối đời khác” – Nghệ nhân ưu tú Đơn Thị Hiệu khẳng định.