Chứng bệnh ung thư quái ác đã kết thúc cuộc đời anh ở cái tuổi 68, cái tuổi mà anh vừa trả xong món nợ với gia đình, con cái, để may ra có được vài năm thảnh thơi an hưởng tuổi già. Mơ ước của anh thì nhiều vô kể, nào là chăm sóc lại vườn cây, đào ao thả cá, làm cái chòi lợp tranh, để chiều chiều anh em, bè bạn, cháu con, đến vui chơi thư giãn.
Cây ăn trái anh trồng trong vườn lứa đã cho trái, lứa vừa bắt đầu đâm ngọn, xòe tàn. Mùa hạt điều năm nay hình như vắng anh nên trái không nhiều như hồi anh còn sống. Ao anh đào, cá nay đã lớn, nhưng nhìn cảnh vật sao nó đìu hiu buồn bã quá!
Chiều đến viếng anh, thắp ba cây nhang cho bàn thờ thêm ấm khói. Nhìn đĩa xoài chị vừa hái ngoài vườn vào cúng anh, của anh đó, anh hãy về nếm thử trái đầu mùa anh trồng ngọt vị hay chát chua?!
Chiều chuyển mưa, trời đục ngầu, gió âm u thổi nghe lạnh tứ bề. Bộ bàn đá kê dưới gốc mận, nơi mà mấy anh em mình cùng với bạn bè quanh xóm hay ngồi lai rai tâm sự, bây giờ trống vắng, chỉ có lá mận khô và chú mèo đen nằm co ro một góc.
Anh em nhớ anh, bạn bè nhớ anh, làng xóm nhớ anh. Nhớ cái tên Bảy đen mỗi lần ngà ngà là “Tình em xứ Quảng”. Nhớ bao bắp luộc anh mang từ nhà ra Đồi Dương tặng cho bạn bè ăn chơi nhân ngày họp lớp. Nhớ những lần tết muộn ở sông Dinh, nhớ con cá đồng kho nghệ, nhớ món dưa gang anh muối. Nhớ món đậu phộng rang anh mang lên xe đò từ Bình Thuận, ngồi nhai ra đến Quảng Nam chưa hết.
Học hành không bao nhiêu, nhưng anh lại có nhiều năng khiếu. Thấy người ta đan nong nia, anh chỉ nhìn qua vài lần là đan được, thấy họa sĩ vẽ chân dung, anh cũng mua giấy mua thước làm mực vẽ không thua kém gì thợ vẽ thứ thiệt, rồi may quần tây, áo sơ mi cho đến thêu thùa cũng vậy. Viết văn xuôi, văn nói cũng rất tốt.
Nhưng chỉ làm chơi vậy thôi, không cái gì nghề nghiệp cả. Nghề chính của anh là nghề nông, loại nông dân thứ thiệt không hề pha trộn. Nuôi 6 đứa con từ nhỏ cho đến trưởng thành, lại nuôi trong thời bao cấp, thời kinh tế rất khó khăn, nuôi bằng cái cuốc, bằng bầy gà thả vườn, bằng vài con heo và khoai, bắp, đậu, hạt điều… nay cả 6 đứa đều có gia đình ở riêng, cuộc sống ổn định.
Nói đến nỗi khổ nuôi con của anh, tôi còn nhớ nguyên hai mẩu chuyện mà mỗi lần ngà ngà say anh vẫn thường kể cho tôi nghe. Những mẩu chuyện không thua gì thời chị Dậu của Ngô Tất Tố.
Vào khoảng năm 1978 – 1979 gì đó, lúc gia đình anh còn ở vùng kinh tế mới Tà Pao thuộc xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh, tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận). Đây là vùng kinh tế mới thành lập năm 1976 đa phần dân đến lập nghiệp là dân Quảng Nam và Quảng Trị. Thời bao cấp lại làm ăn theo hợp tác xã, bình công chấm điểm, lại đất hoang mới mở, lại ngăn sông cấm chợ, nên bệnh tật và thiếu đói triền miên nhất là trong những ngày giáp hạt, tết cổ truyền.
Anh kể, tết năm đó, nhà anh có 5 miệng ăn, 24 tết nhà không còn hạt lúa, lát khoai, vợ phải bưng mủng đi vay mượn quanh xóm, nhưng cũng chỉ tạm qua ngày đoạn tháng, chứ thực ra nhà ai cũng thiếu cũng khổ có đâu dư cho mượn nhiều. Thôi thì cái ăn nhịn nhục, gói ghém vậy cũng được rồi. Nhưng nhìn vào mấy đứa con, quần áo đứa nào cũng tả tơi thương đứt ruột. Tối 25 tết hai vợ chồng ngồi chống gối suy nghĩ moi tìm cái gì bán được sắm cho con bộ đồ mới để chúng nó vui mà tết nhất với bạn bè.
Nghĩ tới nghĩ lui anh quyết định lấy cái quần tây cũ của mình, cái quần vải ka ki xanh anh mặc hồi còn học phổ thông trung học trước giải phóng, sau này có gia đình, đi kinh tế mới, suốt ngày lăn lộn ruộng đồng, cái quần thành vật kỷ niệm nằm im trong xó tủ. Quần đã rạn phần mông, nhưng nhờ ít mặc nên trông không đến nỗi nào. Cắt hai cái ống quần, tháo chỉ lật ngược bề trái ra, ôi chao nó còn mới chán. Anh thắp đèn, cặm cụi đo, cắt và miệt mài ngồi khâu may cho đến sáng. Vậy là thằng Ý Anh tết này đã có quần tây “mới”, vui quá, đỡ một phần lo!
Phần áo quần của hai con gái, anh bàn với vợ mang con chó sang Phương Lâm bán lấy tiền sắm, nếu có dư chút ít mua bánh kẹo cho con nó vui.
Không còn đường nào khác, thương con chó “rông” tình nghĩa với gia đình bao năm nay, nhưng cũng đành thôi!
Tờ mờ sáng 27 tết, anh gọi chó cho ăn, vuốt ve nó lần cuối, rồi ôm con chó cho vào lồng, cột sau chiếc xe đạp cũ mèm. Đường từ Tà Pao về Phương Lâm xa ngái, trời giáp tết đường miền núi vắng hoe, anh cong lưng đạp, tranh thủ sao cho kịp đến Phương Lâm còn người mua. Buổi trưa trời nắng gắt, mồ hôi ướt dầm dề, vừa qua hết địa phận Đức Linh, bỗng anh thấy trong người lạnh toát. Điều mà anh không nghĩ đến, phía bên kia ranh giới một trạm kiểm soát hiện ra sừng sững, những ông “băng đỏ” lù lù xuất hiện. Anh biết nếu mình chở con chó qua trạm, thế nào cũng bị tịch thu hoặc đánh thuế, mà như vậy thì lấy gì sắm tết cho con. Không lẽ chở chó quay về? Suy nghĩ mãi, anh à lên một tiếng:- Ngu quá, chó là chó của mình, cứ thả nó ra, ở đây xa nhà dứt khoát nó phải chạy theo mình thôi. Nghĩ là làm, anh dựng xe, bưng lồng xuống tháo dây thả con chó ra ngoài, quấn điếu thuốc rê phì phà, ung dung chở cái lồng không qua trạm, con chó vẫy đuôi chạy theo sau.
Thoát hiểm ngoạn mục, anh đạp xe cách trạm thật xa, rồi dựng xe bên lề chờ con chó đến. Con chó mừng chủ, cúp đuôi, ụi ụi cái đầu vào lòng chủ, đến đây cái cảm giác mừng thoát hiểm trong anh gần như không còn, thay vào đó là sự ray rứt và nỗi buồn khó tả. Anh ứa nước mắt vuốt ve con chó rồi nhẹ nhàng cho vào lồng như lúc tờ mờ sáng ở nhà. Trên đường chở chó vào chợ Phương Lâm anh như người mất hồn, thương hai đứa con áo quần rách nát, thương con chó tình nghĩa bao năm. Mãi đến khi có người tới trả giá mua chó, chỉ chờ có vậy anh quyết định bán ngay, bán để đoạn tuyệt, để chấm dứt cái cảnh đau lòng này. Người mua chó chở chó đi, con chó nhìn anh, anh nhìn con chó, trên mắt cả người và vật đều có những dòng nước mặn.
Tết năm đó mấy đứa con anh có đồ mới, có vài cây kẹo chíp chíp. Còn anh mang nỗi buồn cho đến ngày nhắm mắt!