Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW (khóa XII) của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) đã ban hành Chương trình hành động số 49-CTr/TU với sự quyết tâm hành động của toàn hệ thống chính trị để triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Một số kết quả…
Bám sát các quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 23-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung thực hiện, phấn đấu đưa tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nước, có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2045, Bình Thuận cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Trên cơ sở các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 124/NQ-CP, ngày 3/9/2020 của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương xây dựng quy hoạch, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa và triển khai thực hiện, tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng… phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Đến thời điểm này, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết số 23 – NQ/TW (dự ước đến cuối năm 2023): Tỷ trọng ngành công nghiệp (theo giá hiện hành) trong tổng sản phẩm nội tỉnh chiếm 29,95% (năm 2018 chiếm 22,07%, năm 2022 chiếm 28,97). Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (theo giá so sánh) tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2018 – 2023 đạt 13,14%; Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2023 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 41.377 tỷ đồng, tăng 32,44% so với năm 2018. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp (trong giá trị tăng thêm ngành công nghiệp) chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2023 nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh với tỷ lệ 21,0% (năm 2018 chiếm 32,53%, năm 2021 chiếm 20,99%); Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2018 – 2023 đạt 5,30%; Tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đến năm 2023 đạt 52,85% (năm 2018 là 47,57%). Tỉnh cũng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, nhất là các dự án năng lượng. Tiềm năng về năng lượng được khai thác, phát huy tốt; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, thuộc nhóm ngành hoạt động hiệu quả nhất, đóng góp lớn cho nền kinh tế của tỉnh, là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản từng bước phát triển…
… và những khó khăn
Cùng với những kết quả đạt được, việc phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; thị trường thế giới có nhiều biến động phức tạp, giá cả các mặt hàng nhập khẩu tăng cao, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như sa khoáng titan, mủ cao su, hạt điều sụt giảm sâu. Tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường đã tác động bất lợi đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp. Nguồn lực cho đầu tư phát triển ngành công nghiệp của tỉnh còn hạn chế, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc thu hút đầu tư phát triển ngành còn chưa đồng bộ. Năng lực một số nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn hạn chế. Việc chồng lấn các quy hoạch (khoáng sản, xây dựng, du lịch…) trên địa bàn tỉnh chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng về chính sách công nghiệp quốc gia có nơi, có lúc còn chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững. Chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm, làm ảnh hưởng đến việc thu hút các dự án đầu tư. Các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng chính sách phát triển công nghiệp. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có việc chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ trong việc triển khai chính sách, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp. Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư chưa đồng bộ, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn…
Phải quyết tâm hơn
Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải quyết tâm hơn nữa trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW (khóa XII) của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, việc đầu tiên, các cấp ủy, chính quyền tăng cường tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt yêu cầu, hiệu quả. Phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động và phối hợp xử lý tốt công việc ở cơ sở; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ được giao đến kết quả cuối cùng. Xác định việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh; đồng thời gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng cấp, từng ngành. Tập trung thực hiện xuyên suốt, có hiệu quả 03 khâu đột phá: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực, đạo đức, trách nhiệm; tăng cường thu hút, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh; huy động mọi nguồn lực, tận dụng các cơ hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Trong đó chú ý phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh trong việc giám sát thực hiện chính sách phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.