Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được đề cập khá nhiều và được coi là một trong những vấn đề quan trọng và nóng bỏng trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, hầu như quyền lợi của người tiêu dùng và pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chưa được chú ý một cách thích đáng.
Hành lang pháp lý quan trọng bảo vệ người tiêu dùng
Bước vào thời kỳ đổi mới, nước ta đã chuyển mạnh từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Cũng từ đây, quan hệ mua bán, giao dịch giữa một bên là nhà sản xuất – kinh doanh hàng hóa và dịch vụ với một bên là người bỏ tiền ra mua hàng hóa và dịch vụ để phục vụ cho sinh hoạt, tiêu dùng của cá nhân, gia đình và tổ chức (người tiêu dùng) đã được xác lập với vai trò ngày càng được nâng cao của người tiêu dùng. Công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở thời kỳ này có thể nói đã có những chuyển biến rất tích cực, đặc biệt sau khi Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng có hiệu lực. Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời đã đánh dấu một bước tiến trong công tác xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Sau khi Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng được thông qua, còn có một loạt các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng sâu sắc của Nhà nước đối với vấn đề này.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023. Theo đó, ngày 31/8/2023 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, đảm bảo chất lượng, tiến độ hoàn thành công việc. Có lộ trình thực hiện cụ thể để khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, thì các hoạt động được triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước. Thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ
Trong những năm gần đây, kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trưởng khá, đời sống của nhân dân ngày được nâng lên. Cùng với đó, các loại dịch vụ, hàng hóa trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng, phong phú về chất lượng, mẫu mã, xuất xứ, thương hiệu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng so với trước đây. Bên cạnh đó cũng xuất hiện tình trạng tranh chấp quyền lợi giữa người bán và người mua, việc giải quyết các khiếu nại của doanh nghiệp với người tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức, đa số người tiêu dùng còn tâm lý bỏ qua khi gặp sự cố như mua hàng kém chất lượng, hàng hóa không đúng như quảng cáo và còn e ngại khiếu nại khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, chưa thẳng thắn đấu tranh với những hành vi sai trái của các cơ sở, tổ chức kinh doanh vi phạm. Nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 2/4/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, ngày “Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Nhờ đó, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo rà soát, ban hành các chính sách và củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy chuyên trách, có sự phân công, phân cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính về việc đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật. Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Mới đây nhất, UBND tỉnh tiếp tục có kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Bên cạnh đó xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa sở, ngành và địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh…