Việc phát triển thương mại điện tử (TMĐT) ở Bình Thuận luôn được các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nhờ đó có sự chuyển biến rõ nét, các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử được khai thác hiệu quả.
Thế nhưng, bên cạnh những thuận lợi, thì việc phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn bất cập. Vậy đâu là những giải pháp để xây dựng TMĐT ngày càng phát triển bền vững?
Những kết quả bước đầu
Bình Thuận luôn xác định nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử là trọng tâm. Chính vì vậy, các sở, ban ngành liên quan đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về lĩnh vực thương mại điện tử cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh… Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh nắm bắt và triển khai các ứng dụng thương mại điện tử trong thực tiễn nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả và chấp hành các quy định của Nhà nước về thương mại điện tử.
Điểm nhấn trong thời gian qua, đó là Bình Thuận đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Sàn thương mại điện tử hỗ trợ kết nối giao thương 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng (địa chỉ www.sanphamdiaphuong.com.vn). Với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án, tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ kết nối các sản phẩm doanh nghiệp 3 tỉnh. Đến nay, đã có 54 cơ sở và 152 sản phẩm của doanh nghiệp 3 tỉnh được cập nhật lên sàn thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của doanh nghiệp, cơ sở mình. Bên cạnh đó, đề án Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận, đã hỗ trợ 12 cơ sở có sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tạo mã truy xuất nguồn gốc (QR Code) cho các sản phẩm của mình, đã có 45 sản phẩm của các cơ sở được tạo mã QR Code. Thông qua việc quét mã QR Code được in trên nhãn, người tiêu dùng sẽ truy xuất được thông tin của sản phẩm (về quy trình, nguồn gốc nguyên liệu, giá thành…). Từ đó, góp phần minh bạch sản phẩm; đồng thời bảo vệ thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ cho 7 doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận tham gia đối thoại, kết nối trực tiếp với sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada, Tiki, Sendo…; Kết nối 32 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với sàn thương mại điện tử Tiki tại tỉnh Bình Thuận năm 2023. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phát triển thương mại điện tử, xây dựng website bán hàng; đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử lớn như Shoppe, Lazada, Sendo, Tiki, Voso… Từ đó, tập trung cao cho hình thức tiêu thụ, chào bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.
Gỡ những rào cản
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển thương mại điện tử trong những năm vừa qua cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vẫn còn ở mức khiêm tốn, hiệu quả chung về ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là do người sử dụng chưa quen với cách mua bán online qua mạng mà vẫn theo kiểu kinh doanh mua bán truyền thống. Doanh nghiệp vẫn còn hoạt động đơn lẻ, chưa tìm cách kết nối với những trang mạng xã hội có sức hút khách hàng lớn…Trước thực trạng trên, Bình Thuận cần có nhiều giải pháp để thúc đẩy thương mai điện tử phát triển bền vững. Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, hiện đơn vị đã xây dựng Đề án nâng cấp sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận – Ninh Thuận – Lâm Đồng và được Bộ Công Thương phê duyệt và đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nâng cấp sàn để đảm bảo hoàn thiện hoạt động của các tính năng sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đơn vị cũng triển khai phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số kết nối sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận – Ninh Thuận – Lâm Đồng với sàn hợp nhất www.sanviet.vn do Bộ Công Thương quản lý, hoạt động. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử để phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử lớn như Shoppe, Lazada, Sendo, Tiki, Voso… Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức hội nghị kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh với các sàn thương mại điện tử lớn như Shoppe, Lazada, Sendo, Tiki, Voso… tại tỉnh Bình Thuận để thúc đẩy hơn nữa các sản phẩm địa phương tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử. Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các doanh nghiệp lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Đồng thời, triển khai các chương trình phát triển thương mại điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm: các giải pháp về thanh toán (keypay, thẻ việt); hợp đồng điện tử; ngày mua sắm trực tuyến quốc gia Online Friday, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu (GoExport, ECVN, Vietnamexport); thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm địa phương thông qua phương thức giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, tiêu thụ trong nước cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, các đơn vị sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thương mại điện tử, cũng như ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp… Các doanh nghiệp, hợp tác xã… tích cực tham gia bán hàng qua các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn và đào tạo do tỉnh và các sở ngành tổ chức, tìm hiểu và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp để giảm bớt chi phí kinh doanh.
Có thể nói, việc triển khai ứng dụng thương mại điện tử đã hỗ trợ khuyến khích các thương nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tăng cường đầu tư thực hành ứng dụng, phát triển các hoạt động thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 152 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã thực hiện đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương theo quy định.