Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về đạo đức phải được bắt đầu từ công cuộc đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức của từng cán bộ, đảng viên; coi trọng đúng mức công tác giáo dục, bồi dưỡng về đạo đức cách mạng đối với người lãnh đạo.
Người cách mạng phải có đạo đức
Người cho rằng, đạo đức người cách mạng giống như gốc rễ của cây, như nguồn của sông suối, khi “sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Điểm lại những vụ việc trong năm 2024, ở Trung ương qua kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý 247 tổ chức Đảng, 441 đảng viên, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 26 vụ việc. Cá biệt có những cán bộ cấp cao bị kỷ luật do vi phạm những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương, liên quan đến những vụ án của các tập đoàn, vi phạm đến mức phải kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Theo kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị có những cán bộ đã suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, để vật chất cám dỗ dẫn đến vi phạm. Tại Bình Thuận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật 4 đảng viên, do vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây thất thoát tài sản nhà nước. Cấp ủy các cấp và chi bộ thi hành kỷ luật 162 đảng viên; trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 5 đảng viên do vi phạm trong đấu thầu, xây dựng, đất đai…
Từ những vụ việc trên cho thấy, việc vi phạm quy định Đảng, pháp luật Nhà nước của một vài cán bộ, đảng viên có “mẫu số chung” là thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, để lợi ích cá nhân, vật chất chi phối, dẫn đến sai phạm. Nếu nhìn ở góc độ tuân thủ pháp luật thì những vụ việc đó được cơ quan chức năng đánh giá là tham nhũng chính sách, tiêu cực…
Chính vì vậy cuộc “chiến” đẩy lùi tham nhũng là trường kỳ, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Không thể chỉ dựa vào việc xử lý các cá nhân vi phạm pháp luật, mà cần phải có một chiến lược tổng thể, đa chiều, tác động vào tận gốc rễ của vấn đề, trong đó việc đẩy lùi lòng tham, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, liêm chính. Tham nhũng có nguồn gốc từ lòng tham của con người, cho nên điều quan trọng nhất đẩy lùi tham nhũng chính là đẩy lùi lòng tham. Lòng tham biểu hiện dưới nhiều hình thức, từ ham muốn vật chất tầm thường cho đến những khát khao quyền lực, danh vọng. Song nhận diện lòng tham của chính mình không hề dễ dàng, có người thường che đậy, biện minh cho lòng tham của mình hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh, xã hội.
Học cách hài lòng với bản thân
Một khi “bắt mạch” được lòng tham, thì cần có những quy định, giới hạn, nguyên tắc sống của bản thân. Đây là những “lá chắn” giúp mỗi người kiểm soát mình, không để nó vượt quá giới hạn cho phép. Mỗi cán bộ, đảng viên có thể tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tập cho mình thực hiện nguyên tắc “nói không với hối lộ”, “nói không với lạm dụng quyền lực”, danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất.
Nhìn lên mình không bằng ai, nhìn xuống nhiều người chưa bằng mình, bởi vậy học cách hài lòng với những gì mình đang có để ngăn chặn lòng tham. Hạnh phúc, danh dự không phải sở hữu nhiều tiền, lắm bạc, của cải mà chính ở sự bình an trong tâm hồn, sự chân thật, giản dị giữa con người với con người, với đồng nghiệp với cộng đồng…
Đạo đức cách mạng là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mỗi cá nhân. Đạo đức cách mạng bao gồm những giá trị cốt lõi như yêu nước, thương dân, liêm khiết, chính trực, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật và ý thức phục vụ nhân dân. Tu dưỡng đạo đức cách mạng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự học tập, rèn luyện không ngừng nghỉ. Do đó cần học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chọn tấm gương đạo đức của Bác làm khuôn mẫu để phấn đấu, học tập, công tác và làm việc chính nghĩa.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; luôn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, có niềm tin vào cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng. Tránh hiện tượng phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không phê phán. Bên cạnh đó, không ngừng đấu tranh với những biểu hiện vi phạm đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, quan liêu, không trung với nước, không hiếu với dân, không thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; sống cơ hội, bè phái, vụ lợi, hám danh, vô cảm, chỉ thích xa hoa, hưởng lạc, không gương mẫu nêu gương…
Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín danh dự của bản thân và tổ chức Đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín. (trích Điều 3.5 Quy định 144/QĐ-TW/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên giai đoạn mới).
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/xay-dung-dang-ren-luyen-dao-duc-cach-mang-co-kho-khong-127495.html