Cầm tay chỉ việc cho bà con
Đến dự có ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, bà Trần Thị Mỹ Lệ, Phó chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hợp, Viện Chăn nuôi Nam Bộ.
Buổi tư vấn sinh kế vùng Đồng bào DTTS lần thứ 2 này có sự tham gia của hơn 230 hộ nông dân ở Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc) và các HTX nông nghiệp và nhiều doanh nghiệp liên quan tham dự.
Ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết, tại ngày hội tư vấn lần này, bà con nông dân được các chuyên gia và doanh nghiệp tư vấn sản xuất nông nghiệp hiện đại theo kiểu cầm tay chỉ việc. Bà con được các chuyên gia hướng dẫn các kỹ năng ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể để bà con nông dân dễ nắm bắt, dễ làm theo…
Cụ thể là các chuyên gia hướng dẫn cho bà con nông dân nắm vững kỹ thuật chăm sóc lúa, sầu riêng, chăn nuôi heo đen, dê, bò. Sau đó các doanh nghiệp hỗ trợ bà con nông dân phân bón, vật tư để bà con thực hiện các mô hình nuôi trồng ngay sau khi kết thúc tư vấn.
Tại ngày hội tư vấn, nhiều bà con nông dân đã tích cực lắng nghe các chuyên gia hướng dẫn. Những vấn đề chưa hiểu rõ, bà con đã đặt những câu hỏi làm sao cho cây lúa, cây sầu riêng phát triển tốt, chăn nuôi không dịch bệnh… được các chuyên gia trả lời rõ ràng. Các chuyên gia còn hướng dẫn bà con các phương pháp quản lý các mô hình nuôi, trồng và đáp ứng điều kiện phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp…
Thông qua ngày hội này, ban tổ chức mong muốn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mạnh dạn thay đổi thói quen canh tác cũ, áp dụng cái mới và tự tạo ra sinh kế mới. Qua đó góp phần làm cho đời sống bà con cũng như bản làng ngày càng sung túc, khá giả và tươi đẹp hơn.
Nắm vững kỹ thuật để thoát nghèo bền vững
Được biết, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và huyện Hàm Thuận Bắc thường xuyên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, cũng như đẩy mạnh triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển vùng Đồng bào DTTS trên toàn địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh đó, với sự tự nỗ lực vươn lên, đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngày càng có những bước chuyển biến tích cực, nhiều hộ thoát nghèo…
Theo ông Ngô Thái Sơn, ngoài sự hỗ trợ từ Nhà nước, cách tốt và bền vững nhất để bà con vươn lên có cuộc sống ổn định chính là sự quyết tâm của chính bà con. Bên cạnh đó là chịu khó quan sát, học hỏi, chọn lọc các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện của từng hộ dân vùng đồng bào DTTS. Nếu thường xuyên mở những ngày hội tư vấn này để bà con hiểu biết, quen tay, quen việc đem về áp dụng cho nhà mình nhằm đem lại thu nhập ngày càng cao hơn.
Một khi bà con đã quen tay, quen việc và cộng thêm có sự kết nối với các doanh nghiệp, HTX từ sản xuất đến tiêu thụ thì những rủi ro do dịch bệnh, năng suất thấp, bán không được giá khi được mùa cũng sẽ lùi xa, kinh tế gia đình sẽ phát triển nhanh hơn, ổn định hơn
Cũng theo ông Ngô Thái Sơn, hiện nay, Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Thuận đã và đang là cầu nối giữa bà con sản xuất nông nghiệp với với các doanh nghiệp, HTX… sản xuất theo đơn đặt hàng của bên mua. Nhờ đó, giá cả ổn định, nên bà con yên tâm chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp…
Trước đó, ngay hội tư vấn lần 1 được tổ chức ở 2 xã Phan Lâm và Phan Sơn huyện Bắc Bình. Lần 3 dự kiến diễn ra vào tháng 4/2025 ở 2 xã Hàm Cần và xã Mỹ Thạnh huyện Hàm Thuận Nam(Bình Thuận).
Theo UBND huyện Hàm Thuận Bắc, trong kháng chiến bà con dân tộc K’ ho, Rắc lây, ở 3 xã Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ đã thuỷ chung theo Đảng, theo cách mạng. Bà con đã hỗ trợ lớn lao cho các bậc tiền bối cách mạng, cũng như góp phần bảo vệ an toàn cho Khu căn cứ Tỉnh uỷ Sa lôn nằm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc(Bình Thuận).
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận cũng luôn sát cánh, hỗ trợ bà con nông dân vùng này xây dựng các mô hình, mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp bà con sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, làm cho đời sống ngày càng khá giả hơn…