Hình ảnh một thầy giáo già nhấc từng bước chân chầm chậm lên bục nhận giấy khen của Ủy ban nhân dân thành phố, vì đã liên tục hơn 10 năm trao tiền quà hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học, khiến mọi người xúc động. Tấm gương điển hình quan tâm khuyến học đó là thầy Trương Quý Lô, nguyên Hiệu trưởng Trường Nam – Phan Thiết (nay là Trường tiểu học Đức Thắng 1), hiện thầy đang ở khu phố 1, phường Đức Long, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
Thầy Lô sinh ngày 13/7/1935, tức năm nay đã tròn 90 tuổi nhưng vẫn minh mẫn lắm. Khi được hỏi thầy cười vui vẻ cho biết mình quê quán ở Huế, từng là học sinh Trường Quốc Học – Huế, vào Phan Thiết dạy học và chọn nơi đây làm quê hương thứ hai luôn. Thầy nhớ như in từng quãng đời mình đã sống qua: Từ năm 1954 – 1961, dạy ở Trường Nam và Trường Nữ – Phan Thiết, rồi 3 năm chuyển ra Trung làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Tư Nghĩa, Quảng Ngãi; đến năm 1970, mới về Phan Thiết giữ chức Hiệu trưởng Trường Nam cho đến ngày chấm dứt chiến tranh.
Còn nhớ nhiều năm trước, tôi viết câu chuyện có thật cảm động về thầy trong giai đoạn 15 năm mưu sinh khó khổ, thầy phải làm nghề đạp xích lô. Thầy thì ốm nhom nhưng cái tên Lô nó vận vào người nên chọn công việc nặng nhọc này. Một hôm, thầy đang vừa thở cả bằng mũi, bằng tai vừa đạp chở một người khách sang trọng lên dốc cầu Trần Hưng Đạo. Quá nửa dốc, chiếc xích lô ì ra, nhích từng chút một, ông khách sang trọng có vẻ đang vội quay lại định la gã phu xe thì ngay lúc ấy “hắn”… phốc người nhảy xuống quỳ sụp giữa đường.
– Thầy! Tại con chưa… nhận ra. Thầy tha lỗi… cho con!
Thầy Lô đưa tay quệt mồ hôi, cười thật hiền và nói giọng Huế pha chút Phan Thiết:
– Không có chi! Nghề mô cũng là nghề mà Hồ.
Ông khách lại thêm lần nữa khi biết thầy còn nhớ cả tên mình.
Điều đặc biệt là thầy không biết trách cứ ai bao giờ, trên môi thầy lúc nào cũng thật tươi một nụ cười mà các cháu, chắt thường nói vui là “nụ cười thần thánh”. Xung quanh thầy giờ có đến 13 cháu nội, ngoại và 6 cháu cố, mỗi khi tết nhất tụ về đông vui, “ríu rít” rộn ràng lắm, các cháu đứa nào cũng thương ông nội, ông ngoại, ông cố. Cả con ruột, con dâu, con rể nhà thầy tổng cộng 14 người, khi có dịp sum họp mỗi người một tay sắp xếp nên rất nhanh ngôi nhà thầy đã thành ngôi nhà lễ hội ấm áp, vui vầy ba bốn thế hệ. Con cái thầy người nào cũng học hành đến nơi đến chốn thành đạt ở nhiều lĩnh vực, cống hiến nhiều cho xã hội, đó là niềm tự hào, là hạnh phúc lớn lao của ông thầy già đang an vui, khỏe mạnh ở tuổi 90 này. “Tiếc là bà nhà tôi không được sống đến ngày nay để được tận mắt thấy con cháu đủ đầy!”, đôi mắt người thầy già lại rưng rưng, đôi môi lại run rẩy nhắc đến người bạn đời mỗi khi có ai nói đến đại gia đình hạnh phúc của mình.
Trong một lần trao quà qua Hội khuyến học xong, thầy vừa tự hào vừa rất tâm huyết nói với chúng tôi: “Nhà tôi trải qua nhiều thăng trầm, có lúc khó khăn lắm nhưng chúng tôi vẫn cố gắng nuôi các con ăn học, con đông nhưng không đứa nào phải thiệt thòi, nhờ vậy mới có ngày hôm nay. Tôi thấu hiểu nỗi cơ khổ khi thiếu thốn nên giờ đây dành dụm được đồng nào tôi đều giúp học sinh nghèo hiếu học, mong không em nào vì thiếu thốn quá mà bỏ học, mong thế hệ tương lai giỏi giang!”.
Hôm lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025, cô Trương Hoàng Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Nguyên chia sẻ: “Tâm huyết của ba mình vẫn luôn được ghi nhớ vào những ngày đầu khai giảng là trao tặng những suất quà nhỏ cho các em học sinh nghèo hiếu học. Nhưng năm nay ba mình 90 tuổi, đi đứng khó khăn rồi nên đã ủy quyền cho em gái mình là Trương Thị Hoàng Yến thay mặt gửi tặng chứ không có mặt để phát trực tiếp được nữa rồi. Thương làm sao!”.
Hơn 10 năm liền, chưa khi nào đến ngày tiếng trống khai giảng của Trường tiểu học Đức Long vang lên mà thiếu những suất quà nho nhỏ của thầy Trương Quý Lô. Khỏe thì thầy lên trụ sở phường hoặc lên trường trao, đau mệt thì thầy nhắn anh em cán bộ phường đến nhà nhận cho Hội khuyến học. Thật thương, thật quý tấm lòng ông thầy già đối với thế hệ tương lai!
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/thuong-lam-tam-long-ong-thay-gia-125534.html