Kinh tế tập thể (KTTT) nói chung và hợp tác xã (HTX) nói riêng là xu thế chung của nền sản xuất hàng hóa. Đây là một thành phần kinh tế có vai trò to lớn, ý nghĩa toàn diện về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung và Bình Thuận nói riêng trong thời gian qua.
Trên thực tế, từ lâu KTTT, HTX là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế nước ta, có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đặc biệt, kể từ khi Luật Hợp tác xã đầu tiên ra đời (tháng 3/1996) và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/1997, tiếp đó là Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho khu vực KTTT, HTX phát triển. Các hợp tác xã từng bước chuyển đổi, đăng ký lại cho phù hợp và thích ứng ngày càng tốt hơn với sự biến động của cơ chế thị trường; quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong các HTX được tăng cường; vai trò tự chủ của HTX được đề cao, thành viên tham gia HTX một cách tự nguyện, nhiều HTX đã xây dựng được phương án hoạt động phù hợp, huy động sự tham gia đóng góp của thành viên. Mô hình HTX mới, HTX phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được hình thành, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Loại hình này đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó góp phần phát triển kinh tế bền vững. Hệ thống liên minh hợp tác xã ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò kết nối, hướng dẫn, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của HTX và các thành viên, làm cầu nối để đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách, khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển KTTT và HTX.
Tại Bình Thuận, các mô hình KTTT đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện. Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện nay nhiều HTX trong tỉnh gặp khó khăn trong việc huy động vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến. Các HTX nhỏ lẻ, quy mô sản xuất nhỏ thường không đủ tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng được điều kiện vay vốn từ ngân hàng. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ hoặc các quỹ phát triển cũng bị hạn chế, đặc biệt là do các quy trình phức tạp và thiếu hiểu biết về chính sách.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền và thực hiện các kế hoạch để nâng cao hiệu quả KTTT. Bên cạnh đó, sẽ tập trung khuyến khích phát triển bền vững KTTT, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng. Tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thương mại, dịch vụ, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.
Để tiếp tục thúc đẩy KTTT tập thể phát triển bền vững trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải vừa ký ban hành kế hoạch phát triển KTTT, HTX tỉnh Bình Thuận năm 2025. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là phát triển KTTT một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng và phát triển KTTT phải gắn với chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Phát triển đa dạng các loại hình HTX, xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có sức cạnh tranh. Đồng thời chú trọng xây dựng HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và văn hóa ở địa phương. Từ đó thu hút nhiều nông dân, hộ gia đình tham gia vào KTTT, HTX. Phấn đấu đưa KTTT trở thành một trong những thành phần kinh tế mang lại lợi ích cho người tham gia, đặc biệt là nông dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Theo đó mục tiêu cụ thể trong năm 2025, Bình Thuận sẽ thành lập mới thêm 10 HTX với doanh thu bình quân của HTX là 2.250 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX là 6 triệu đồng/tháng; tỷ lệ cán bộ HTX có trình độ trung cấp trở lên đạt 54%; tỷ lệ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 12% tổng số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu phát triển KTTT, HTX trong năm 2025, UBND tỉnh đã đề ra rất nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào các giải pháp để hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2023. Tuyên truyền, tập huấn Luật HTX và nâng cao nguồn nhân lực; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX. Nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX; tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT; huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/tung-buoc-thuc-day-phat-trien-kinh-te-tap-the-125380.html