Mái nhà tranh, vách nứa, cùng với bếp lửa có ông táo chụm bằng củi khô… là những hình ảnh quen thuộc gắn liền với cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Ai xa quê mà không hoài nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có mái tranh nghèo đã một thời chở che, nuôi dưỡng tuổi ấu thơ.
Tranh là loài cỏ lá dài, có sức chịu đựng nắng mưa. Tranh thuộc họ lúa, sống lâu năm, lá mọc thẳng đứng, phiến lá xanh tươi, dài trên 1 mét, rộng từ 6 đến 25 mm, mặt trên ráp, mặt dưới nhẵn, mép lá sắc. Bông tranh lông mềm, màu trắng. Rễ tranh mọc bò lan, nằm sâu dưới đất, có màu trắng ngà hay vàng nhạt, rễ có nhiều đốt.
Miền Trung Việt Nam là nơi có nhiều cỏ tranh. Vùng đất La Gi (Bình Thuận) ngày xưa, ở các khu vực bên bờ bắc sông Dinh, hay như khu Bưng Kè cũng có rất nhiều lán tranh. Tranh ở đây mọc trên đất cát pha nên lá se, cọng cứng, lợp nhà rất bền. Làng Phước Bình quê tôi vào những năm 1970, 1980 từ trẻ đến già ai cũng biết cắt tranh, đánh tranh, lợp nhà. Ngày ấy đi tìm tranh để cắt không khó mấy, chỉ cần qua suối Bạc, hoặc đến cầu Rơm là đã có tranh để cắt. Dụng cụ đi cắt tranh cũng rất đơn giản: Cái liềm chấu thật bén, mớ dây mây hay lạt tre thật dẻo, chiếc đòn xóc bẹ to, nhọn hai đầu. Khi đã tìm được đám tranh vừa ý là xúm nhau cắt, cắt đến đâu phơi đến đó. Cắt tranh cũng na ná như cắt lúa, khác chút là để cho tranh sạch, sau khi cắt được núm tranh, phải nắm phía đầu ngọn giũ mạnh, rồi lấy liềm rọc xuôi đều cho hết tạp rác mới rải ra phơi. Chiều đến bắt đầu đi gom số tranh cắt mấy ngày trước nay đã khô. Tranh khô được gom lại rồi dùng dây mây siết cột thật chặt thành bó. Kỹ thuật bó tranh tuy đơn giản nhưng nếu làm không khéo bó tranh sẽ lỏng leo, rất dễ sút. Thường thì sau khi thắt chéo sợi dây, người bó tranh phải dùng ngón chân cái kẹp chặt sợi dây, rồi dùng lực bàn chân đạp mạnh, tay cầm đầu dây còn lại vừa rút, vừa kéo. Tranh sau khi cắt phơi khô đem về nhà là tiếp đến công đoạn đánh tranh. Vật liệu để đánh tranh gồm có hom đôi, hom chiếc. Đánh tranh vui nhất vào những đêm trăng sáng, trên nền sân đất rộng, những nông dân vừa chuyện trò rôm rả, vừa thi nhau đánh tranh, ai đánh nhanh, có tấm tranh đẹp người ấy được khen ngợi tôn vinh, có khi được tặng thưởng bằng chầu rượu đế, cá đồng. Đưa tranh, lợp tranh cũng là nghệ thuật khéo tay của người nông dân. Dân gian ta có câu: “Chiều chiều con quạ lợp nhà, con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh”.
Chẻ lạt, đưa tranh, lợp nhà, đòi hỏi phải đồng bộ, nếu một trong ba mà bị lỗi, bị sai nhịp, mái nhà tranh sẽ không hoàn thiện. Đầu tiên là anh chẻ lạt. Lạt chẻ phải dẻo, phải mềm, lạt cứng, khô giòn, cột tranh sẽ bị gãy. Đưa tranh, mới nghe tường đơn giản, nhưng thực ra không dễ chút nào. Tấm tranh vừa rộng, vừa dài, vừa dày, lợp mấy lớp đầu dưới thấp không nói gì, lên độ cao gần nóc, anh đưa tranh phải dùng cây dài có nạng, kẹp nạng ngay giữa tấm tranh rồi phóng thẳng lên cho người lợp. Anh lợp nhà bằng động tác gọn gàng đưa tay bắt lấy tấm tranh, sắp ngay ngắn, rồi xỏ lạt cột tranh. Nhà tranh thả đòn tay lợp dày có khả năng sử dụng đến mươi, mười lăm năm. Ngày nay, nhà lợp tranh ở các vùng quê không còn nhiều, phần vì cây tranh đang dần bị tiệt chủng do nạn lạm dụng thuốc diệt cỏ diễn ra ở khắp mọi nơi. Vùng đất La Gi, Hàm Tân xưa tranh mọc rất nhiều, nay gần như không còn thấy bóng dáng, thậm chí ai đó muốn tìm ít rễ tranh làm thuốc trị bệnh cũng không biết đâu tìm. Có thể nói trải qua nhiều thiên kỷ, cây tranh đã hoàn thành sứ mệnh với người nông dân Việt Nam. Bây giờ đã đến lúc phải nói lời chia tay với loài cỏ dại nặng tình, nặng nghĩa này. Nhưng dẫu sao trong tâm khảm người dân Việt hình ảnh mái nhà tranh, có khói bếp quyện chiều, có chiếc lu nước gác cái gáo dừa trước hàng hiên sẽ chẳng bao giờ phai nhạt được.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/xa-roi-nhung-mai-nha-tranh-125342.html