BTO-Tiếp tục phiên thảo luận tại tổ chiều nay 29/10, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đã tham gia một số ý kiến đối với dự thảo Luật Đầu tư công; dự thảo Luật Ngân sách nhà nước.
Ban hành Luật Đầu tư công (sửa đổi) là rất cần thiết
Đối với dự thảo Luật Đầu tư công, theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông: Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển đất nước trong tình hình mới. Do đó, đại biểu cho rằng việc ban hành Luật Đầu tư công (sửa đổi) là rất cần thiết, rất kịp thời, tôi tôi thống nhất với việc ban hành dự thảo Luật.
Góp ý cụ thể tại Điều 5 về đối tượng đầu tư công, đại biểu thấy rằng đối với các dự án có quy mô nhỏ, có mục tiêu hỗ trợ, phát triển cộng đồng, nhất là các dự án về tái định cư cần bổ sung quy định về trình tự thủ tục đơn giản đối với các loại dự án này nhằm rút ngắn thời gian, hỗ trợ, giải quyết kịp thời cho cộng đồng, người dân, các đối tượng thụ hưởng.
Tại Điều 74 về Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; điểm c khoản 7 dự thảo Luật quy định hội đồng nhân dân các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương trong các trường hợp: “c) Do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương.”; đại biểu đề nghị biên tập lại điểm c thành: “c) Do bổ sung mới danh mục dự án ngoài danh mục đã có trong kế hoạch trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương” để phù hợp với thực tế hiện nay.
Điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi
Tham gia ý kiến đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước (Điều 4 dự thảo); cụ thể về sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 38 (khoản 6 Điều 4 dự thảo), đại biểu đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thêm nội dung nhiệm vụ chi trả nợ gốc, vì theo quy định tại Điều 38 của Luật Ngân sách nhà nước quy định nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương không quy định nhiệm vụ chi “trả nợ gốc” của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, tại Điều 72 của Luật Ngân sách nhà nước về xử lý kết dư ngân sách nhà nước, quy định: “Kết dư ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh được sử dụng để chi trả nợ gốc và lãi các khoản vay của ngân sách nhà nước…”. Thực tế hiện nay, hàng năm tỉnh Bình Thuận có chi phát sinh chi trả nợ gốc đến hạn trong năm đối với các dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Do vậy, cần thiết bổ sung nội dung chi “trả nợ gốc” vào nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương để đảm bảo tính chặt chẽ giữa các Điều của Luật Ngân sách nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước: Qua đánh giá các phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước chưa đạt được hiệu quả cao; chưa khuyến khích địa phương phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi do chỉ quy định 06 nhiệm vụ chi cụ thể và phải theo thứ tự ưu tiên, không cho phép địa phương được sử dụng để phân bổ cho chế độ, chính sách, nhiệm vụ cần thiết phục vụ phát triển kinh tế xã hội theo nhu cầu của địa phương.
Hiện nay các chế độ, chính sách của trung ương chưa được ban hành đầy đủ, vẫn còn nhiều chế độ, chính sách địa phương phải ban hành thêm theo khả năng cân đối ngân sách địa phương để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng của địa phương, được sử dụng nguồn lực của địa phương, ngân sách trung ương không hỗ trợ cho địa phương. Ngoài ra, trong thời kỳ ổn định ngân sách, khi trung ương ban hành thêm chính sách, chế độ quy định ngân sách địa phương tự cân đối nguồn đảm bảo (ngân sách trung ương không cấp bổ sung) với kinh phí tăng thêm khá cao nên đối với các địa phương còn nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương (trong đó có tỉnh Bình Thuận) rất là khó khăn. Do đó, đại biểu đề xuất điều chỉnh quy định xây dựng phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo hướng tạo sự chủ động, tích cực cho địa phương theo phương án bổ sung thêm Điểm g khoản 2 Điều 59 như sau: “g. Các nhiệm vụ chi khác của địa phương”.
Liên quan đến khoản 5 Điều 66 của Luật Ngân sách nhà nước quy định: “Thủ trưởng đơn vị xét duyệt quyết toán phải chịu trách nhiệm về kết quả duyệt quyết toán, nếu để xảy ra vi phạm mà không phát hiện hoặc đã phát hiện nhưng không xử lý sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.”. Đại biểu thấy rằng, việc quy định trách nhiệm cho Thủ trưởng đơn vị xét duyệt quyết toán nêu trên là chưa thật sự phù hợp và chưa đề cao trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách, vì đơn vị phải tự chịu trách nhiệm về quyết định sử dụng ngân sách của mình. Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu biên tập lại nội dung quy định trên theo hướng bổ sung thêm quy định trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách cho phù hợp, khi có sai phạm đơn vị phải tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với sai phạm do mình quyết định và gây ra hậu quả…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/thao-luan-ve-du-thao-luat-dau-tu-cong-va-luat-ngan-sach-nha-nuoc-125258.html