Thứ 7 hôm rồi, tôi về biển Cam Bình (xã Tân Phước, thị xã La Gi) theo lời mời của vợ chồng Ánh Châu. Đây không phải là lần đầu tôi đến La Gi cũng như bãi biển Cam Bình nhưng đã hơn 5 năm nay, tôi mới có dịp trở lại do một phần vướng dịch Covid-19, một phần chưa có công việc liên quan. Biển Cam Bình nay khác xa với những năm trước bởi cảnh du khách dập dìu ăn uống, tắm biển.
Trước đây bãi biển Cam Bình hoang sơ nên được nhiều người ví như nàng thơ. Cảnh đẹp ấy vẫn còn, chỉ khác là bây giờ khách du lịch tìm đến nhiều hơn, tạo nên khung cảnh sinh động. Tân Phước đang chạy đua nước rút hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu để cuối năm nay về đích nông thôn mới nâng cao nhưng nhìn đường sá thông thoáng, nhà cửa của người dân khang trang nên Tân Phước giống như phố phường, chứ không còn là xã biển nghèo trước đây. Góp phần cho bộ mặt Tân Phước khang trang và sôi động ấy có một phần không nhỏ của mảng du lịch biển. Khách du lịch đến Cam Bình – Tân Phước ngày càng nhiều bởi bãi biển đẹp, hải sản tươi sống với giá “mềm” hơn nhiều vùng khác. Ở Tân Phước có du lịch cộng đồng, dù nhiều vấn đề trong hoạt động còn ngổn ngang nhưng nét nổi bật dễ nhận thấy là đã có hình hài du lịch chuyên nghiệp. Anh Hoàng Đạt – doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Bình Dương cho biết: Tháng nào tôi cũng đi lại giữa Phan Thiết – La Gi đôi ba lần để giao dịch công việc, mỗi lần đi tôi thường ghé lại Cam Bình tắm biển và mua hải sản mang về làm quà cho mấy đứa nhỏ và họ hàng. Biển Cam Bình vào thứ 7, chủ nhật và lễ tết rất đông khách nên tôi chọn vào ngày thường để thư giãn tốt hơn…
Cùng đi với anh Đạt, anh Chương lại thích phong cảnh làng quê, núi rừng, anh tâm sự: “Lúc nào đi trên cao tốc, tôi cũng ngắm cảnh ven đường. Lúc thì thanh long ra hoa trắng muốt, nhìn thấy tinh khiết tan chảy lòng người. Lúc thì vườn thanh long chín đỏ rực trời tạo nên sự háo hức trong tâm hồn. Vừa rồi, bạn tôi còn đưa tôi đến khu du lịch La Ngâu, cũng là dòng sông La Ngà chảy xuôi về Đồng Nai nhưng nơi đây rất lạ. Đó là khúc sông nước trong vắt với những đàn cá bơi lội tung tăng, bên bờ sông là những vườn hoa tươi thắm, vườn xoài, vườn điều xanh mát mắt nên vào những ngày nghỉ lễ hàng ngàn khách tìm đến vui chơi, nghỉ dưỡng… Nếu ở Cam Bình hay Phan Thiết có hải sản tươi sống góp phần níu chân du khách thì ở La Ngâu có đặc sản địa phương như gà đồi, dê núi, lá bép, măng rừng… tạo nên sự hấp dẫn riêng trong ẩm thực du khách…
Hôm 20/10, Ngày Phụ nữ Việt Nam, ngoài cả triệu lượt khách tìm đến La Gi, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam để vui chơi thì ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc cũng có hàng ngàn người tìm đến thác Reo, thác Bà, điểm du lịch La Ngâu, du ngoạn trên lòng hồ Hàm Thuận – Đa Mi. Lý giải về việc du lịch nông thôn thu hút lượng khách tìm đến, đa phần du khách đều thích phong cảnh hữu tình mang hơi hướng dân dã, không khí trong lành cũng như nét ẩm thực với đặc sản bản địa chân quê. Tìm về nông thôn như tìm lại ký ức tuổi thơ của nhiều người từng từ nông thôn lên thành phố lập nghiệp rồi thành đạt và có một chút bình yên khi được ăn, ngủ giữa núi rừng bao la hùng vĩ… Tôi đã từng chứng kiến nhiều người ở các thành phố đưa con em về Đa Mi để dạy con gần gũi với thiên nhiên, chỉ cho con biết cây sầu riêng, cây mít, hạt mắc ca tươi, cây bơ, cây măng cụt… Nhiều người bảo rằng đi du lịch gia đình ngoài nghỉ dưỡng, vui chơi còn có tính giáo dục cho con trẻ biết thêm thế giới xung quanh như đi biển thì biết các loài tôm, ghẹ, ốc sò… về nông thôn thì biết con dê, con bò, thác hồ…
Du lịch nông thôn Bình Thuận kéo dài từ Tuy Phong đến Đức Linh, hầu hết các huyện, thị đều có điểm du lịch nông thôn. Các điểm du lịch mới hình thành và đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để hoạt động bền vững. Du lịch nông thôn đang góp phần để ngành du lịch Bình Thuận thêm phong phú đa dạng ở các lĩnh vực và “níu” được chân du khách ở lại dài ngày…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/du-lich-nong-thon-len-ngoi-125242.html