Với Hàm Thuận Nam là địa bàn tôi đến đây nhiều nhất, kể cả đi công tác cũng như rong ruổi khám phá vào những dịp cuối tuần. Có lẽ mảnh đất này được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những danh thắng đẹp với phong cảnh hữu tình của biển, rừng, núi, sông, hồ.
Hàm Thuận Nam – là “thủ phủ” thanh long của tỉnh Bình Thuận, là huyện có tiềm năng lớn về du lịch, với lợi thế cách không xa TP. Phan Thiết. Trung tâm huyện – thị trấn Thuận Nam cách thành phố Phan Thiết 28 km về hướng Tây Nam, có đường bộ cao tốc, quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua, có dải bờ biển dài và đẹp… đã tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Hàm Thuận Nam phát triển về du lịch trong tương lai gần. Tuy lĩnh vực du lịch của huyện ra đời sau một số địa phương trong tỉnh như Phan Thiết, La Gi, Tuy Phong, nhưng nhiều cơ sở du lịch được đầu tư, xây dựng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và vui chơi của du khách như: Sài Gòn – Suối Nhum, Ánh Dương, Đồi Sứ, Olaha, Việt – Pháp… Nhắc đến điểm du lịch của Hàm Thuận Nam không thể không kể đến 2 thắng cảnh là hải đăng Kê Gà và chùa núi Tà Cú đây là những thắng cảnh có nét đẹp biểu trưng của tự nhiên vừa biểu trưng cho lịch sử của huyện. Ngọn hải đăng Kê Gà cao 65 m (so với mặt biển) được xây dựng từ thế kỷ XIX, hiện là ngọn hải đăng cao và cổ xưa nhất Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung. Hàng năm hải đăng Kê Gà đón từ 10.000 đến 12.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan chiêm ngưỡng. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược ngọn hải đăng Kê Gà vẫn sừng sững cùng năm tháng, ban đêm lấp lánh chỉ đường cho tàu bè như tấm lòng kiên trung của những người con quê hương Hàm Thuận Nam. Chùa núi Tà Cú khởi đầu là một thảo am do thầy Hữu Đức lập vào năm 1869. Đặc biệt, nét độc đáo nhất của ngôi chùa cổ này là pho tượng Thích Ca Mô Ni nhập niết bàn, nằm nghiêng, gối đầu lên tay, dài 49 mét, cao 11 mét, lưng tựa vào vách núi, mặt hướng ra biển Đông, được xây dựng vào những năm 1960, thế kỷ XX, do kiến trúc sư Trương Đình Ý kiến tạo; pho tượng đã được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục tượng Phật nhập Niết bàn trên núi dài nhất châu Á. Ngoài nét đẹp thiên nhiên và tín ngưỡng, đối với nhiều người con quê hương Hàm Thuận Nam, núi Tà Cú còn gắn liền với truyền thống đấu tranh cách mạng. Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa thông tin huyện thì số khách đến du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng tăng bình quân hằng năm 19,5%. Đến nay, Hàm Thuận Nam đã có hàng chục dự án du lịch đăng ký đầu tư trên địa bàn huyện, hàng năm đón trên 300.000 lượt khách du lịch, cá biệt có năm đón trên nửa triệu du khách. Trên địa bàn huyện hiện có trên 20 resort đạt từ 3 – 5 sao, đáp ứng đủ nhu cầu du khách du lịch từ bình dân đến cao cấp. Các loại hình du lịch phát triển theo hướng ngày càng đa dạng hơn, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh. Hiện tại chủ yếu là loại hình du lịch nghỉ dưỡng ven biển và du lịch vùng đồi núi, văn hóa lễ hội có kết hợp với tâm linh; một số dự án du lịch đang triển khai đầu tư loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển; du lịch vui chơi giải trí, thể thao biển; du lịch cộng đồng như trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long cùng người dân Hàm Thuận Nam. Trong đó, Khu du lịch Tà Cú đã được doanh nghiệp đầu tư mở rộng, gắn với tổ chức Hội thi leo núi Tà Cú Hàm Thuận Nam – Bình Thuận mở rộng, giải đua xe đạp vòng quanh núi Tà Cú hàng năm đã thu hút một lượng khách du lịch không nhỏ… Với lợi thế sở hữu danh thắng nổi tiếng, mai này du lịch Hàm Thuận Nam sẽ khởi sắc hơn nữa!
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/den-voi-danh-thang-thu-phu-thanh-long-125212.html