Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2025 chỉ còn khoảng 450 ngày đêm để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát. Khối lượng công việc rất nhiều, đòi hỏi chúng ta đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì phải cố gắng hơn nữa, đã hiệu quả rồi thì phải hiệu quả hơn nữa. Thủ tướng cũng kêu gọi cả hệ thống chính trị, đồng bào, đồng chí, cộng đồng doanh nghiệp cả nước tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, tăng tốc, bứt phá hơn nữa với tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần “tương thân, tương ái”, “ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít”, thực hiện chủ trương lớn của Đảng là không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo. Đến nay, qua rà soát cả nước còn khoảng trên 400.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng” hoặc thiếu hụt về chất lượng.
Đối với tỉnh Bình Thuận, công tác đẩy mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng được Đảng bộ và chính quyền hết sức quan tâm chỉ đạo. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện đẩy mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2021 – 2023, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng mới và sửa chữa 222 căn nhà cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn về nhà ở với tổng kinh hơn 7,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh quản lý, toàn tỉnh đã xây dựng 420 căn nhà và sửa chữa 50 căn nhà cho hộ nghèo. Nhìn lại công tác giảm nghèo nói chung, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát nói riêng thời gian qua cho thấy, cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các địa phương trong tỉnh đã tích cực quan tâm vào cuộc. Lan tỏa phong trào xóa nhà dột, nhà tạm vừa góp phần ổn định, cải thiện đời sống của người dân, đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vừa đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là tiêu chí quan trọng để giảm nghèo bền vững và thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm, kịp thời triển khai, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo đến đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, các tổ chức đoàn thể, các địa phương và nhân dân, từ đó tạo được sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Nhiều giải pháp cụ thể, chi tiết đã được triển khai, các cấp, ngành, địa phương còn quan tâm chỉ đạo công tác rà soát các hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ về nhà ở, trên cơ sở số lượng được cấp trên phân bổ để chỉ đạo các địa phương tổ chức bình xét theo thứ tự ưu tiên. Từ đó, tập trung huy động các nguồn vốn của các tổ chức và nguồn vốn lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bình Thuận cũng sẽ quyết tâm cùng với cả nước để xóa nhà tạm, nhà dột nát vào năm 2025. Theo đó, tỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể, thiết thực, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và chăm lo tốt hơn mọi mặt đời sống cho người dân. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn, vừa qua tỉnh đã có kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí để Bình Thuận tập trung xây dựng mới và cải tạo 2.045 căn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có 367 căn nhà ở cho người có công với cách mạng, 1.678 căn nhà đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/dem-nguoc-450-ngay-phai-xoa-het-nha-tam-nha-dot-nat-125142.html