Chuỗi hoạt động nổi bật trong chương trình truyền thông bao gồm: Giới thiệu các ấn phẩm truyền thông và tài liệu Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ DTTS trên địa bàn huyện Tánh Linh; Diễn đàn truyền thông nâng cao nhận thức, khuyến khích phụ nữ vùng DTTS “Thay đổi nếp nghĩ cách làm”, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao nhận thức và quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS.
Tại Diễn đàn truyền thông, các đại biểu đã được nghe 3 đại biểu phụ nữ DTTS làm kinh tế giỏi giao lưu, chia sẻ. Cụ thể là chị Nguyễn Thị Đỉnh, dân tộc Cơ Ho (xã La Ngâu) với mô hình chăn nuôi dê và trồng bắp lai; chị Đồng Thị Ánh Tuyết, dân tộc Chăm (thị trấn Lạc Tánh) với mô hình kinh doanh nông sản, thu mua lúa và chị Nguyễn Thị Hà, dân tộc Cơ Ho (xã Măng Tố) với mô hình Tổ hợp tác Đan thủ công mỹ nghệ.
Cả 3 phụ nữ đều sinh sống ở vùng miền núi khó khăn, cuộc sống quanh quẩn với nghèo khó và chịu ảnh hưởng bởi quan niệm truyền thống “phụ nữ phải chăm lo việc nhà, chăm sóc con cái”. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm của các cấp Hội Phụ nữ cùng Ngân hàng Chính sách xã hội, các chị được tham gia các lớp tập huấn hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật; được hỗ trợ vốn vay để đầu tư sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh…, nhờ đó đã phấn đấu vươn lên làm chủ kinh tế gia đình, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia chương trình còn được các chuyên gia hướng dẫn phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối thị trường; xây dựng kênh bán hàng và quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội; Tìm hiểu kiến thức về khởi nghiệp qua trò chơi “Đuổi hình bắt chữ”; chiếu video truyền thông tiểu phẩm “Ai cũng có thể” với nội dung tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin về bán hàng trực tuyến; quảng bá giới thiệu sản phẩm địa phương, kết nối thị trường tiêu thụ…
Thông qua các hoạt động truyền thông nhằm khuyến khích hội viên, phụ nữ DTTS tự tin khởi nghiệp sáng tạo ngay thôn, bản của mình, chủ động phát huy tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho phụ nữ tại thôn, bản có thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững .
Dịp này, Ban Công tác phía Nam đã trao tặng 100 bộ áo quần trẻ em cho Trạm Y tế của 2 xã Suối Kiết và xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh.