Bình Thuận sở hữu những điều kiện “thiên thời, địa lợi” để phát triển du lịch. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh mới, chỉ những điều kiện kể trên là chưa đủ. Chính vì vậy, Bình Thuận đã và đang từng bước thực hiện chuyển đổi số trong ngành “kinh tế xanh” của tỉnh với quyết tâm dùng công nghệ số để tạo sự khác biệt, đem đến cho khách du lịch những tiện ích, trải nghiệm tuyệt vời, từ đó góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển nhanh chóng.
Số hóa du lịch đã là xu thế
Hòa cùng vào “dòng chảy” chung đó, thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT &DL) Bình Thuận đã triển khai số hóa ở các điểm tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi bật, các cơ sở mua sắm, ăn uống, lưu trú, lữ hành, các chương trình tham quan du lịch… tích hợp trên Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bình Thuận.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng hình ảnh, nội dung, Sở VHTT&DL đã phối hợp với các đơn vị công nghệ vận động các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh tham gia triển khai số hóa các dữ liệu du lịch bằng công nghệ thực tế ảo VR 360 độ. Đến nay đã có trên 40 doanh nghiệp tham gia xây dựng số hóa các sản phẩm, dịch vụ của mình và đăng tải trên các kênh truyền thông để quảng bá. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác thống kê, thu thập thông tin dữ liệu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch một cách đồng bộ, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu chung của tỉnh và kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai.
Đáng chú ý, ngành Du lịch Bình Thuận đã phối hợp với Viettel Bình Thuận xây dựng, vận hành thử nghiệm Sàn thương mại du lịch điện tử với nhiều tính năng giới thiệu, quảng bá, mua bán, giao dịch sản phẩm dịch vụ du lịch trực tuyến, tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ du lịch trực tuyến, xây dựng các chương trình tham quan du lịch trực tuyến… Sàn thương mại du lịch điện tử đã thu hút sự tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm của hơn 50 doanh nghiệp du lịch trong tỉnh, đã tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và hàng ngàn lượt khách truy cập, tham quan. Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã triển khai lắp đặt các trụ thông tin để quét mã QR tại các điểm tham quan di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giúp du khách có thể dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh tra cứu, tìm hiểu về thông tin, hình ảnh của điểm đến du lịch. Song song đó, cũng đã phát triển kết nối với các kênh truyền thông trực tuyến, mạng xã hội để đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá thông tin, hình ảnh, sản phẩm du lịch hấp dẫn của tỉnh.
Những giải pháp trong thời gian tiếp theo
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều những bất cập, khi mà các điều kiện về hạ tầng mạng, hạ tầng phần cứng (cơ sở vật chất – kỹ thuật ), hạ tầng nhân lực… chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế; trong đó có nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực.
Xác định được những khó khăn trên, trong thời gian đến ngành Du lịch Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh nâng cấp, phát triển Cổng thông tin du lịch Bình Thuận, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, sinh động về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; tư vấn thông tin chỉ dẫn cho du khách, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch. Phát triển ứng dụng hỗ trợ khách du lịch đặt dịch vụ, sử dụng dịch vụ và thanh toán dịch vụ trực tuyến; phát triển thẻ du lịch đa năng tích hợp sử dụng các dịch vụ du lịch và thanh toán điện tử.
Mặt khác, ngành Du lịch của Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án xây dựng dữ liệu cho Bản đồ số VR 360 độ tại Bình Thuận. Cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh dữ liệu số du lịch để tích hợp với hệ thống dữ liệu số du lịch của tỉnh và của ngành Du lịch Việt Nam. Xây dựng các phần mềm ứng dụng quản lý ngành du lịch như, khu, điểm du lịch, lưu trú, mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí, thể thao, lữ hành, hướng dẫn viên… đảm bảo việc truy xuất thông tin, dữ liệu, số liệu được nhanh, chuẩn xác. Đồng thời, ứng dụng công nghệ AI, phân tích dữ liệu lớn… để xây dựng ứng dụng thu nhận dữ liệu, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu lớn, nghiên cứu thị trường, phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, lập quy hoạch, ra quyết định chuyên môn nghiệp vụ, xúc tiến quảng bá…
Ngoài ra, đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng công nghệ an toàn và kết nối internet tốc độ cao, để phục vụ cho các hệ thống, ứng dụng và dịch vụ trong hệ sinh thái du lịch thông minh đáp ứng nhu cầu về kết nối, chia sẻ và xử lý dữ liệu lớn, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin dịch vụ du lịch trên môi trường số của người dân và khách du lịch. Đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin đồng bộ, hiện đại; xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của các đơn vị đảm bảo cho việc triển khai phát triển du lịch thông minh.
Ngành Du lịch Bình Thuận khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng, đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đồng bộ, đảm bảo khả năng kết nối giữa các hệ thống của cơ sở với các hệ thống chung của ngành. Phát triển các hệ thống, nền tảng, ứng dụng dùng chung trong lĩnh vực du lịch tích hợp thương mại điện tử cho phép doanh nghiệp kết nối, cung cấp thông tin, quảng bá và bán sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời cho phép doanh nghiệp tiếp cận được dữ liệu phục vụ marketing số.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/so-hoa-de-phat-trien-du-lich-124758.html