Lễ hội vẫn gồm các nghi lễ truyền thống, gồm các lễ: Nghinh thần – rước sắc phong Thầy và Thím, lễ nhập điện an vị, dâng hương tưởng nhớ Thầy – Thím, thí thực phát lộc, lễ thỉnh sanh, giỗ tiền hiền và cúng binh gia… Điểm nhấn trong chương trình lễ hội là đêm khai mạc diễn ra vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 16/10 – tức 14/9 âm lịch, tại sân khấu Dinh với các phần nghi lễ truyền thống và chương trình biểu diễn nghệ thuật – sân khấu hoá sự tích Thầy – Thím do công ty Hà Cường, thành phố Hồ Chí Minh phụ trách.
Song song đó, phần hội ngoài giải Việt Dã được tổ chức vào ngày 13/10, thì trong các ngày chính của lễ hội, tại bãi Dinh Thầy Thím sẽ diễn ra các giải: chung kết cờ tướng, hội thi chim chào mào đấu hót mở rộng, hội thi làm bánh, kéo co; các trò chơi dân gian thi đua thu hoạch thanh long, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu đất. Và các hoạt động diễn ra tại bãi biển ngãnh Tam Tân gồm: thi khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá và đan lưới mở rộng…
Bên cạnh phần lễ thì các hoạt động hội sẽ góp phần tạo thêm nét đặc sắc cho lễ hội. Hơn nữa thông qua đó, sẽ góp phần giới thiệu đến du khách gần xa về những sinh hoạt trong đời sống thường nhật của người dân xứ biển Tam Tân.
Hướng đến một lễ hội thật sự tôn nghiêm, tạo nét văn hóa và ấn tượng đẹp trong lòng du khách gần xa, những ngày này, cùng với thị xã, UBND xã Tân Tiến, Ban quản lý Dinh cũng đang chia người phụ trách các khâu cuối cùng để chuẩn bị cho mùa lễ hội sắp bắt đầu. Mọi công việc đều được triển khai từ khá sớm – phải gần 1 tháng trước ngày diễn ra lễ hội chính thức. Tuy đòi hỏi khá nhiều thời gian và sự chỉn chu, nhưng các hội viên của Dinh đều cảm thấy vui vì được góp một phần công sức nhỏ bé của mình phục vụ cho lễ hội thành công, ai ai cũng háo hức trông chờ, mặc dù lễ hội đã quá thân thuộc trong tâm thức mỗi người dân nơi đây.
Để quảng bá và tăng thêm sắc màu cho mùa lễ hội, ngoài các phường – xã lân cận phụ trách việc trang trí, tại khu trung tâm thị xã cũng đã giăng treo gần 160 cờ Đảng, cờ Tổ quốc, 54 khẩu hiệu đuôi cá, 30 cờ màu, 80 cờ dây và bố trí 2 pano cánh quạt 60m2.
Riêng đối với Ban quản lý Dinh, đã tổ chức giăng treo 120 dây cờ, 100 cờ nước và 100 cờ hội dọc các tuyến đường ĐT719 từ xã Tân Tiến đến Tân Hải, đường Ngô Đức Tốn – dẫn vào khu di tích và đường Phùng Hưng – từ Dinh vào khu vực mộ Thầy Thím. Nhất là đường dẫn vào cổng chính Dinh, được đầu tư, giăng treo đèn điện trang trí… càng góp phần tăng thêm sắc màu cho lễ hội.
Bên cạnh, nhiều pano áp phích cũng đã được bố trí nhằm giới thiệu về chương trình lễ hội, các số đường dây nóng của Ban tổ chức, tuyên truyền đến người dân và khách thập phương giữ gìn vệ sinh, cảnh quan, cũng như nét tôn nghiêm cho lễ hội. Và một điểm mới nữa Ban quản lý cũng đã thành lập 3 trạm hướng dẫn khách tham quan để tạo thuận lợi cho du khách khi đến với lễ hội.
Nhiều tuyến đường giao thông nội Dinh cũng đã được đầu tư, nâng cấp bê tông hoá, bố trí nhiều chậu hoa kiểng càng tạo nét đẹp mắt cho lễ hội. Đồng thời công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy cũng đặc biệt quan tâm.
Cùng với việc tiến hành hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC&CHCN tại Dinh Thầy Thím và một số cơ sở kinh doanh khu vực lân cận. Ban quản lý Dinh với sự hỗ trợ của lực lượng công an thị xã, công an 2 xã Tân Tiến và Tân Hải đã có sự chủ động để đảm bảo tình hình chung trong các ngày trước, trong và sau lễ hội…
Không còn bao lâu nữa lễ hội văn hóa du lịch Dinh Thầy – Thím sẽ lại bắt đầu, một mùa lễ hội mang đậm tính truyền thống, nhân văn – một trong những di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Hy vọng lễ hội sẽ tiếp tục gặt hái những thành công để góp phần bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hoá dân gian đặc sắc của thị xã La Gi nói riêng, tỉnh Bình Thuận nói chung và thật sự trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn có sức thu hút du khách gần xa.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/la-gi-san-sang-cho-le-hoi-van-hoa-du-lich-dinh-thay-thim-124740.html