Thời gian qua, Bình Thuận đã triển khai các chính sách từ Trung ương thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể (KTTT). Trong đó, có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ; chính sách về tín dụng…
Từ tập huấn…
Ước tính tới cuối năm 2024 toàn tỉnh có 227 hợp tác xã (HTX), trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số với 166 HTX. Hoạt động của HTX kiểu mới không chỉ coi trọng hiệu quả kinh tế mà còn chú trọng đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc cùng nhau thực hiện các hoạt động mua chung thông qua HTX giúp cho thành viên được cung ứng dịch vụ, vật tư đầu vào với giá cả phù hợp và chất lượng đảm bảo, từ đó giảm chi phí sản xuất. Chất lượng sản phẩm đồng đều và giá bán sẽ ổn định hơn, dễ dàng tìm kiếm đối tác tiêu thụ. HTX cũng đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho thành viên thông qua phổ biến kỹ thuật, công nghệ sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, để phát triển sản phẩm theo chiều sâu, từng bước hình thành các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Có được kết quả đó là nhờ tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với khu vực KTTT. Từ đầu năm đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tư vấn hỗ trợ thành lập mới 6 HTX, dự kiến đến cuối năm sẽ thành lập 10 HTX đạt 100% kế hoạch. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, quản lý người lao động của các HTX trên địa bàn tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức tuyên truyền các chủ trương chính sách, pháp luật về KTTT, Luật HTX 2023 cho nhiều đối tượng đoàn viên, thanh niên, hội viên hội cựu thanh niên xung phong, hội viên hội phụ nữ, hội nông dân; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, thành viên, người lao động làm việc tại các HTX. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), HTX. Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai giới thiệu, cài đặt ứng dụng COOP nhằm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp; cung cấp một số nền tảng số quảng bá, xúc tiến du lịch nông nghiệp, nông thôn (chuyên trang, facebook, youtube, tiktok, zalo, viber…). Sở Công Thương đã hỗ trợ đưa danh sách 16 HTX của tỉnh lên sàn thương mại điện tử ngành công thương của 3 tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận – Bình Thuận. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề về giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực tín dụng cho hơn 100 đại biểu đến từ các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đến mở rộng thị trường
Đặc biệt, chính sách hỗ trợ các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường luôn được các cấp, các ngành ưu tiên quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ 4 HTX tham gia “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận tại TP. Hồ Chí Minh” (HTX TMDV NN Hoài Đức, HTX DV NN Phong Phú, HTX DV tổng hợp Sen Núi, HTX thanh long sạch Hòa Lệ); hỗ trợ 2 HTX đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024 (HTX thanh long sạch Hòa Lệ, HTX thanh long Hàm Đức). Song song đó, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các HTX có sản phẩm OCOP được tham gia các chương trình chợ phiên OCOP năm 2024 trên nền tảng TikTok và chương trình “Hạt giống OCOP” giai đoạn 2024 – 2025; Hội chợ triển lãm Công thương – OCOP Thái Nguyên 2024; Lễ hội Trái cây Nam bộ – Suối Tiên Farm Festival 2024; Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI năm 2024 tại Cần Thơ; Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 2024 – Tôn vinh sản phẩm OCOP tại TP. Đà Nẵng. Hỗ trợ 4 HTX có sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia Đề án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận” (HTX thanh long sạch Hòa Lệ, HTX thanh long Hàm Đức, HTX DV tổng hợp Sen Núi, HTX DV NN Đức Bình). Ngoài ra, UBND tỉnh cũng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm OCOP của các HTX làm quà tặng giới thiệu đến các đại biểu tham gia các sự kiện lớn của tỉnh. Qua đó, góp phần hỗ trợ các HTX quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến du khách trong và ngoài tỉnh…
Không chỉ vậy, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho các HTX, Ngân hàng nhà nước – Chi nhánh Bình Thuận đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay đối với HTX. Từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm do Liên minh HTX Việt Nam ủy thác, đến nay đã giải ngân cho 63 thành viên HTX, THT vay giải quyết việc làm với tổng dư nợ là 1.699 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Quỹ Thiện tâm khảo sát một số HTX phù hợp để xây dựng mô hình HTX, THT liên kết với các hộ cận nghèo theo chương trình hợp tác “Xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới”, đồng thời, huy động nguồn vốn để phát triển HTX. Giá trị hỗ trợ tối đa của quỹ là 1 tỷ đồng/HTX với mục đích sử dụng để đầu tư trang thiết bị, vật tư nông nghiệp cho HTX, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, nhằm tạo công việc cho hộ nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đang theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ chế biến các sản phẩm từ trái thanh long cho HTX Thanh Bình theo mô hình HTX vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường. Lựa chọn 4 HTX tham gia dự án “Thanh niên trong HTX là chủ thể của chuyển đổi số tại địa phương” (HTX thanh long sạch Hòa Lệ, HTX SXKD dịch vụ nông nghiệp Đa Mi, HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp, HTX dịch vụ tổng hợp Sen Núi).
Được hỗ trợ nhiều chính sách sẽ góp phần đưa KTTT trở thành một trong những thành phần kinh tế mang lại lợi ích cho người tham gia, đặc biệt là nông dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/nhieu-chinh-sach-ho-tro-uu-dai-hop-tac-xa-124684.html