BTO-Sáng 5/10, tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm, Bảo tàng tỉnh tổ chức khai mạc hoạt động các loại hình văn hóa Chăm; tiếp nhận hiện vật, cổ vật năm 2024 và trưng bày chuyên đề “Dấu ấn gốm Chăm”. Hoạt động diễn ra trong ngày 5 – 6/10, chào đón Lễ hội Katê năm 2024 của đồng bào Chăm
Tham dự có ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận; bà Thanh Thị Kỷ – Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh; ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.
Cùng dự còn có ông Nguyễn Văn Linh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận; ông Nguyễn Xuân Lợi – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận; các nhà sưu tầm hiện vật trong và ngoài tỉnh, lãnh đạo địa phương và người dân làng Chăm ở Bắc Bình.
Tại lễ khai mạc, ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho biết: Hoạt động tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm hàng năm trong dịp Lễ hội Katê là một trong những loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc được du khách trong và ngoài nước yêu chuộng. Với sự cố gắng đổi mới, sáng tạo không ngừng trong việc tổ chức các hoạt động tại chỗ, Trung tâm luôn phát huy cơ sở vật chất hiện có, bổ sung thường xuyên các hiện vật mới làm phong phú các chủ đề trưng bày…
Năm nay, hoạt động tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm cũng nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Lễ hội Katê năm 2024 vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại di tích tháp Pô Sah Inư vào các ngày 1 – 2/10/2024, gắn với công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng phát hiện tại tháp Pô Dam, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong năm 2013.
Tiếp nhận 33 hiện vật văn hóa Chăm của các nhà sưu tầm trong và ngoài tỉnh hiến tặng năm 2024, nâng tổng số hiện vật gốc của Trung tâm lên hơn 1.500 hiện vật, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cam kết các hiện vật của bảo tàng, các nhà sưu tập phối hợp trưng bày và hiến tặng sẽ được bảo quản cẩn thận, lưu giữ một cách có hệ thống, khoa học và khai thác có hiệu quả để các hiện vật, tư liệu của quá khứ. Qua đó bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm nhằm góp phần xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngoài ra, trong 2 ngày 5 – 6/10, tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm sẽ diễn ra các hoạt động trưng bày chuyên đề “Dấu ấn gốm Chăm”; tọa đàm chủ đề “Trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát huy làng nghề gốm truyền thống của người Chăm”; thi làm gốm Chăm, thi viết chữ Chăm, trình diễn dệt và làm bánh gừng; giao lưu văn nghệ dân gian giữa Bình Thuận và Ninh Thuận…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/khai-mac-hoat-dong-cac-loai-hinh-van-hoa-cham-124612.html