Xuất khẩu nông sản Việt Nam khởi sắc với nhiều thành tựu lớn Nông sản Việt Nam chinh phục thị trường Anh: Bước tiến và thách thức |
Vùng đất của nhiều sản vật quý
Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh thành (Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đà Nẵng, Phú Yên, Ninh Thuận). Sự đa dạng về tự nhiên, ôn hòa của khí hậu đã giúp các tỉnh nơi đây có được nhiều nông sản quý như: Điều, nha đam, măng tây, hành, tỏi, nho, táo, bưởi, sầu riêng, chuối, mía tím…
Nho Ninh Thuận là một trong những nông sản nổi tiếng vùng Nam Trung Bộ. Ảnh: YNT |
Tại Quảng Nam, ngành nông nghiệp nơi đây đã xây dựng thành công nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp an toàn như: Sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, Tiêu Tiên Phước, Bưởi trụ Đại Bình, Dưa hấu Kỳ Ký, sản phẩm Đảng sâm, Ba kích Tây Giang; rau hữu cơ Thanh Đông, rau hữu cơ, rau an toàn Trà Quế…
Trong các loại cây trái trên, ngoài sâm Ngọc Linh được biết đến như một bảo vật quốc gia có giá trị kinh tế cao, hướng đến những thị trường quốc tế rộng lớn… thì thời gian gần đây Quế Trà My cũng được nhìn nhận là một sản phẩm nông nghiệp có cơ hội xuất khẩu.
Tỉnh Bình Định lại nổi tiếng với bưởi da xanh, dừa xiêm, sầu riêng, mít… Địa phương đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm; tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nhắc đến Quảng Ngãi là nhắc đến tỏi Lý Sơn, hành tím Bình Hải, trà Minh Long, quế Trà Bồng, nước mắm Đức Hải, lúa (Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn); rau (Tư Nghĩa, Bình Sơn)… Ngành nông nghiệp nơi đây được định hướng phát triển chất lượng cao, bền vững, theo hướng tập trung hóa, hiện đại hóa, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường.
Trong khi Khánh Hòa lại có những nông sản mang tính chất đặc hữu, được người tiêu dùng đánh giá cao, như: Yến sào, tôm hùm, ốc hương, sầu riêng, tỏi sẻ… Những năm qua, nông nghiệp Khánh Hòa tập trung nâng cao giá trị, không chạy đua theo sản lượng. Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2024 cũng tập trung vào vấn đề này, trong đó bao gồm việc nâng cao chất lượng canh tác, đảm bảo đưa ra thị trường nông sản an toàn, đạt chỉ tiêu chất lượng, hữu cơ và từng bước phát triển công nghiệp chế biến.
Khác với những địa phương kể trên, khí hậu, đất đai ở Bình Thuận có sự khắc nghiệt, tuy nhiên lại phù hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, như: Cao su, tiêu, điều, cà phê, bông vải, thanh long, lúa nước, bạch đàn và nhiều loại cây hoa màu khác. Trong đó, thanh long vẫn là cây trồng lợi thế của tỉnh.
Việc sản xuất thanh long theo hướng VietGAP, hữu cơ được Bình Thuận quan tâm thực hiện. Đến nay, tại địa phương đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.
Còn với Đà Nẵng, thành phố đã cơ bản hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với nhiều sản phẩm chủ lực như rau xanh các loại, dưa lưới… theo mô hình khép kín, đạt chuẩn an toàn. Hầu hết, các loại nông sản sạch đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận.
Là tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, đến nay, Phú Yên đã ban hành 9 danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gồm: Cá ngừ, tôm hùm, sắn, mía, gạo, hạt điều… Các sản phẩm này có thể nâng cao giá trị kinh tế cho tỉnh và có nhiều lợi thế khi tham gia xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Riêng tỉnh Ninh Thuận hội tụ các vùng sinh thái khí hậu đa dạng, nắng ấm quanh năm đã tạo ra nhiều sản phẩm mang tính đặc thù cao như: Nho, táo, măng tây xanh, tỏi, nha đam, thủy sản, cừu, dê… Hiện nay, Ninh Thuận đang tập trung đầu tư, phát triển theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ cho 182 OCOP từ 3 sao trở lên.
Đẩy mạnh kết nối để xuất khẩu
Nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho doanh nghiệp khu vực Nam Trung Bộ tham gia quảng bá, giới thiệu các thương hiệu sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, nhiều tiềm năng xuất khẩu đến nhà nhập khẩu Hàn Quốc; qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, khai thác một cách bền vững, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc tổ chức hội nghị Kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa giữa khu vực Nam Trung Bộ – Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024.
Tại hội nghị, doanh nghiệp các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đã đưa sản phẩm đặc thù, nhất là mặt hàng nông lâm, thủy sản đa dạng và phong phú của mỗi địa phương đến trưng bày, quảng bá với doanh nghiệp Hàn Quốc. Doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc chủ động trao đổi thông tin với từng doanh nghiệp có sản phẩm tham gia trưng bày.
Đại diện doanh nghiệp vùng Nam Trung Bộ và Hàn Quốc cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thế mạnh; hoạt động quảng bá thương hiệu và đưa ra giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên kết nối giao thương, mở ra cơ hội hợp tác bền vững trong tương lai…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng, hội nghị là cầu nối quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương về việc liên kết vùng, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa sang thị trường các nước.
Giới chuyên gia nhìn nhận, đây là thời cơ vàng để đẩy mạnh xuất khẩu, đưa những sản phẩm của khu vực Nam Trung Bộ đến với người tiêu dùng Hàn Quốc. Sự hiện diện của doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp khu vực Nam Trung Bộ tại hội nghị lần này là cơ hội để các bên tăng cường giao lưu, hợp tác, kết nối cung – cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư; đồng thời là dịp để doanh nghiệp Hàn Quốc khảo sát, khám phá tiềm năng, tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư tại khu vực Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng.
Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia đã tham gia ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với Việt Nam, như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), vì vậy hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc với thuế suất ưu đãi.