Theo báo cáo của UBND huyện Tánh Linh: Huyện có 12 xã và 1 thị trấn, với 76 thôn, bản, khu phố. Toàn huyện có 28.757 hộ (99.218 khẩu), trong đó có 3.655 hộ đồng bào DTTS, chiếm 12,71%. Toàn huyện có 14 dân tộc, mỗi dân tộc đều mang bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Tổng số hộ nghèo trên địa bàn là 1.092 hộ, hộ cận nghèo là 1.265 hộ, trong đó hộ nghèo DTTS là 516 hộ chiếm 47,25%, hộ cận nghèo là 726 hộ, chiếm 20,43%.
Ông Lê Xuân Tuấn – Phó trưởng Phòng Tài chính – Kế toán huyện Tánh Linh, cho biết: Tổng kế hoạch vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện trong 3 năm 2022 – 2024 là hơn 89 tỷ đồng, giải ngân được hơn 61 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68,5%. Trong đó, đối với vốn sự nghiệp, địa phương giải ngân được 15,4/26,3 tỷ đồng, đạt 58,71%; vốn đầu tư giải ngân 45,2/62,7 tỷ đồng, đạt 72,61%.
Tại buổi làm việc, đại diện các xã, thị trấn nêu ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại địa phương, trong đó nỗi lên các nhóm vấn đề như: Tiền hỗ trợ làm nhà cho người dân còn thấp, tiền vay vốn để chuyển đổi nghề nghiệp còn thấp. Ngoài ra còn có vấn đề về hỗ trợ bảo hiểm y tế, vấn đề về hỗ trợ sản xuất, đất sản xuất… cho người dân.
“Địa phương có 240 hộ nghèo, vì vậy Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa quan trọng đối với người dân địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn có một sộ khó khăn như thủ tục về đất đai, quy định yêu cầu phải có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất thì mới được vay vốn nhưng đối với đồng bào ở đây thì rất khó. Địa phương đề nghị các cấp cần quan tâm, tháo gỡ để người dân được thụ hưởng nhiều hơn từ chính sách”, ông Nguyễn Trọng Vân – Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Tánh cho biết.
Còn bà Trần Thị Bích Trâm – Chủ tịch UBND xã Suối Kiết, cho biết hiện nay việc hỗ trợ làm nhà cho người dân số tiền 40 triệu đồng mỗi hộ là quá ít. Thông qua buổi làm việc này, địa phương đề nghị các cấp cần quan tâm, nâng cao mức hỗ trợ cho người dân có nhà kiên cố hơn. “Ngoài ra, với số tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là 10 triệu đồng mỗi người cũng quá ít, người dân khó có thể làm được gì từ số tiền hỗ trợ. Đề nghị các cấp nâng cao mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng thụ hưởng đến cả những hộ cận nghèo”, bà Trâm đề nghị.
Tại buổi làm việc, ông Lưu Xuân Thủy – Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (UBDT) cho rằng trong thời gian qua, huyện Tánh Linh đã nỗ lực để hoàn thành nhiều mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội, nhất là giảm nghèo và tạo sinh kế cho bà con. Địa phương đã nỗ lực trong việc phát huy vai trò của người dân tự vươn lên làm kinh tế, góp phần xây dựng địa phương ngày càng khởi sắc.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Lưu Xuân Thủy lưu ý đối với lãnh đạo huyện Tánh Linh cần quan tâm hơn một số vấn đề để sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Chương trình MTQG, gồm: Đẩy mạnh giảm thiểu tiến đến chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các chính sách hỗ trợ, cũng như phát huy hơn nữa vai trò của Người có uy tín ở địa phương, cùng với đó là nâng cao tuyên truyền, tạo khối đoàn kết ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Còn ông Hoàng Văn Tuyên – Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc (UBDT) cho rằng: Trong thời gian tới, địa phương cần có các giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, trong đó cần lưu ý việc hỗ trợ xóa nhà tạm cho người dân. Cùng với đó, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ chương trình để hỗ trợ kịp thời cho người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo.
Thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Đăng Lệ – Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, cho biết trong thời gian qua, các nguồn vốn từ Chương trình MTQG có ý nghĩa thực sự trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. “Địa phương rất quyết liệt trong vấn đề triển khai thực hiện chương trình để phát huy hiệu quả nguồn vốn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, như về giải ngân, phân bổ vốn.
“Địa phương đề nghị các cấp quan tâm hỗ trợ thêm cho địa phương để đẩy mạnh thực hiện các dự án, tiểu dự án từ Chương trình. Với kinh phí được phân bổ, đến nay đã có hàng chục hộ dân được hỗ trợ tiền làm nhà, chuyển đổi nghề nghiệp, vươn lên trong sản xuất, Tuy nhiên, các cấp cần quan tâm nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng thụ hưởng để bà con có điều kiện an cư, lạc nghiệp”, ông Lệ đề nghị.
Kết luận buổi làm việc, ông Hà Việt Quân – Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719, đánh giá cao sự nổ lực của chính quyền và Nhân dân huyện Tánh Linh trong việc thực hiện Chương trình MTQG. Đoàn nhận thấy được sự nỗ lực rất lớn của chính quyền trong việc hỗ trợ người dân từ nguồn vốn các chính sách, đặc biệt nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719. Người dân được hỗ trợ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn để làm nhà, sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả tích cực.
“Tuy nhiên, địa phương vẫn còn chậm trong việc triển khai chương trình, triển khai một số dự án còn chậm. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, địa phương sẽ quyết liệt hơn trong việc triển khai các dự án để đem lại kết quả tốt nhất. Ngoài ra, địa phương cần có lộ trình cụ thể trong việc thực hiện Chương trình. Đối với những kiến nghị của địa phương về việc nâng cao đinh mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng thụ hưởng và kéo dài thời gian hỗ trợ, chúng tôi sẽ báo cáo để có những tham mưu phù hợp”, ông Hà Việt Quân lưu ý.
Trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc đã đi thực tế kiểm tra việc thực hiện một số dự án có nguồn vốn từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện Tánh Linh.