Kinh tế ban đêm đang thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có ngành du lịch phát triển, trong đó có Bình Thuận. Phát triển kinh tế ban đêm nhằm mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Thành phố Phan Thiết sẽ đưa vào 3 mô hình hoạt động thí điểm kinh tế ban đêm tại 3 khu vực. Theo đó, tuyến phố ẩm thực đường Tuyên Quang, thuộc phường Bình Hưng, đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành – Tuyên Quang đến Thủ Khoa Huân – Tuyên Quang. Thời gian hoạt động từ 17 giờ 30 phút đến 24 giờ vào các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần. Quy mô khoảng từ 50 – 100 gian hàng bao gồm: Các gian hàng món ăn và các sản phẩm OCOP của Bình Thuận, khu vực tập trung giới thiệu các món ăn đặc trưng của địa phương; khu vực biểu diễn văn hóa nghệ thuật và khu vực trò chơi dân gian và vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Mô hình Chợ đêm ẩm thực phường Mũi Né có địa điểm triển khai tại khu đất Nhà văn hóa thuộc khu phố 5, đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Mũi Né. Thời gian hoạt động từ 17 giờ 30 phút đến 2 giờ của ngày hôm sau. Quy mô tối thiểu 70 gian hàng, chia làm 3 khu vực chính, đồng thời bố trí các gian hàng di động, không xây dựng công trình, vật liệu kiên cố trên khu đất tổ chức chợ ẩm thực đêm. Mô hình kinh tế ban đêm khu đặc sản địa phương và khu ẩm thực, giải khát về đêm tại khu vực dự án Novaworld Phan Thiet của Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận. Hoạt động vào cuối tuần hoặc các ngày lễ, tết sẽ xem xét kéo dài thời gian hoạt động cho phù hợp và khu ẩm thực, giải khát về đêm hoạt động mỗi ngày từ 16 giờ đến khuya. Ngoài ra, phường Hàm Tiến và Bình Hưng cũng xác định phát triển khu vực kinh tế ban đêm ở đường Hòa Bình, phường Hàm Tiến và đường Phạm Văn Đồng, phường Bình Hưng.
Lãnh đạo thành phố Phan Thiết cho biết, hiện đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và đưa vào khai thác theo tiến độ, trong đó chú trọng tăng cường công tác dân vận, tuyên truyền, phổ biến, tạo sự đồng thuận của người dân tại các khu vực dự kiến phát triển và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các Hợp tác xã cùng tham gia. Bên cạnh sự phối hợp giữa địa phương và doanh nghiệp, sự tăng cường tham gia của người dân và các hộ kinh doanh cũng như các Hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm. Bởi lẽ, kinh tế ban đêm vận hành được không chỉ dựa vào du lịch mà còn phải có sự kết hợp, hỗ trợ nhuần nhuyễn của các ngành nghề khác nhau để đưa kinh tế ban đêm phát triển có chiều sâu và bền vững. Khi khách du lịch tìm đến các địa điểm phục vụ về đêm, ngoài thưởng thức ẩm thực, tham gia vào sự kiện vui chơi, giải trí, cũng cần dịch vụ khác, đồng thời mua sắm tại các gian hàng, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương. Thêm vào đó, các điểm phục vụ về đêm cũng cần đến một hệ thống logistic nhanh gọn để có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách du lịch. Vì thế, để kinh tế ban đêm phát triển mở rộng, cần có một sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành nghề nhằm đảm bảo sự cung cấp dịch vụ được hoạt động trơn tru.
Chợ đêm được đánh giá là mô hình kinh tế ban đêm hiệu quả đối với du lịch, đóng góp lớn cho kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân qua việc làm tăng chi tiêu của du khách, đồng thời làm đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí. Điển hình như chợ Đà Lạt, đã có rất nhiều các doanh nghiệp, các hợp tác xã cùng tham gia vào chợ đêm để giới thiệu, cung cấp các sản phẩm mang bản sắc địa phương. Hiện nay, nhiều hợp tác xã của tỉnh Bình Thuận cũng đang liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc các ngành hàng lúa gạo, thanh long, rau quả, có khoảng 40 hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, 155 hợp tác xã nông nghiệp, 5 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, xây dựng… Nếu như các hợp tác xã này đồng hành cùng với tỉnh giới thiệu và cung cấp các sản phẩm mang tính đặc trưng của tỉnh tại các chợ đêm sẽ làm phong phú hơn các mặt hàng tại chợ đêm, đồng thời mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng công suất hữu dụng cho các cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ.
Hiện nay, các sản phẩm OCOP đã đưa vào trưng bày tại các điểm du lịch nhằm giới thiệu sản phẩm đến khách du lịch và người dân, đặc biệt là những sản phẩm của các hợp tác xã được công nhận OCOP 3 – 4 sao. Có thể thấy, khi các Hợp tác xã cùng tham gia vào kinh tế ban đêm không chỉ dừng lại ở ăn uống mà còn mua sắm các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương với nhiều sự lựa chọn cho du khách vì kinh tế ban đêm là một yếu tố quan trọng để hút khách du lịch, đóng góp vào nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển kinh tế ban đêm cũng phải phát triển và xây dựng sản phẩm theo tổ hợp “mua sắm, vui chơi giải trí và ăn uống”. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cần có sự liên kết để xâu chuỗi các hoạt động, sản phẩm du lịch nhằm níu chân du khách.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/cac-hop-tac-xa-cung-tham-gia-vao-phat-trien-kinh-te-ban-dem-124085.html