BTO-Sáng nay (13/9), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm” tỉnh Bình Thuận. Tham dự có bà Bố Thị Xuân Linh – Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành; Uỷ ban MTTQ Việt Nam các huyện cùng các vị chức sắc, chức việc, nhân sĩ, trí thức người Chăm trên địa bàn tỉnh.
Đồng bào người Chăm ở Bình Thuận sống rải rác ở các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh linh… Trong đó, Hồi giáo Bàni có 20.058 tín đồ, chiếm 1,6% dân số với 10 cơ sở thờ tự, 326 chức sắc; Bàlamôn giáo có 18.162 tín đồ, chiếm tỷ lệ 1,44% dân số, với 18 cơ sở thờ tự, 73 chức sắc. Ngoài ra, còn khoảng 124 tín đồ Hồi giáo Islam đang sinh hoạt tại thôn Bình Minh, xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình. Riêng huyện Bắc Bình là nơi người Chăm sinh sống đông nhất, có khoảng 20.044 người, chiếm gần 2/3 dân số người Chăm toàn tỉnh. Người Chăm Bình Thuận chia làm 2 nhóm tôn giáo chính là Chăm Ahier và Chăm Awai/Bani (Chăm Hồi giáo Bàni và Bàlamôn giáo).
Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cấp uỷ, chính quyền và MTTQ ở các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống đồng bào, chú trọng phát triển kinh tế, hỗ trợ có hiệu quả các hộ dân tộc thiểu số nghèo cải thiện đời sống. Công tác sản xuất và phục vụ sản xuất được cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo.
Trong quá trình vận động, xây dựng “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm” tỉnh Bình Thuận, Ban Thường trực Ủy ban nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các vị chức sắc, chức việc, nhân sĩ trí thức, tín đồ đồng bào Chăm theo Bàlamôn giáo và Hồi giáo Bàni trong và ngoài tỉnh, tạo sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng, ban hành và đưa vào sử dụng “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm” năm 2023. Việc xây dựng Lịch Chăm thống nhất dùng chung theo nguyện vọng chính đáng của đồng bào Chăm, phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo tính khoa học nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, làm lễ dựng nhà, cưới hỏi, tang ma… góp phần xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Theo đó, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tăng cường vận động, xây dựng “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm” tỉnh Bình Thuận và nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các vị chức sắc, chức việc, nhân sĩ trí thức, tín đồ đồng bào Chăm theo Bàlamôn giáo và Hồi giáo Bàni. Qua đó, đã tạo được sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng, ban hành và đưa vào sử dụng “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm”.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi thống nhất ngày kiêng cử trong sinh hoạt tôn giáo giữa hai đạo Bàlamôn giáo và Hồi giáo Bàni trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm” tỉnh Bình Thuận năm 2023 đã ban hành và các năm tiếp theo.
Bà Bố Thị Xuân Linh – Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động chức sắc, người có uy tín và cộng đồng người Chăm nâng cao nhận thức trong việc xây dựng và đưa vào sử dụng “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm” tỉnh Bình Thuận năm 2024 và những năm tiếp theo góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc đồng bào Chăm trong tỉnh. Đồng thời, rà soát, củng cố kiện toàn Ban Biên soạn, Hội đồng thẩm định; rà soát Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ thành viên Ban Biên soạn, Hội đồng thẩm định “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm” tỉnh Bình Thuận năm 2024 theo hướng rõ nhiệm vụ, hoạt động hiệu quả. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp góp phần đưa “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm” tỉnh Bình Thuận đi vào thực tiễn đời sống sinh hoạt hàng ngày của chức sắc, chức việc và tín đồ đồng bào Chăm trong tỉnh…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/so-ket-lich-tin-nguong-dong-bao-cham-tinh-binh-thuan-123976.html