1. “Soi bóng Cà Ty” là tên của tập thơ có sự góp mặt của 24 tác giả thuộc Chi hội Văn học TP. Phan Thiết, do Nhà Xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh cấp phép xuất bản quý III năm 2020. Tập thơ gồm 120 thi phẩm gồm nhiều thể loại.
2. Thong thả mở từng trang của “Soi bóng Cà Ty”, để lòng trải theo những lời thơ của các thi phẩm, bạn đọc rất dễ nhận ra: cảnh sắc của quê hương Phan Thiết, hương vị của quê hương, nghề nghiệp của bà con xứ biển và của cả miền đồng, những nhân vật lịch sử, nét văn hóa biển, tình yêu đôi lứa, những suy tư về cuộc đời… thấm vào những trang thơ.
“Soi bóng Cà Ty” đã dẫn dắt người đọc, người yêu thơ tìm về những gì đặc trưng nhất của Phan Thiết. Có lẽ, đây là một trong những tác phẩm văn học địa phương thật giàu cảnh sắc, những nét văn hóa, dễ gợi cho người đọc những điều đáng yêu của Phan Thiết những tháng năm xưa, mãi đến tận bây giờ.
Sông Cà Ty, cùng với chiếc cầu Quan, tháp nước, hoa vông của những ngày đã xa xuất hiện rất nhiều trong tập thơ, nhất là ở các bài: Đêm Cà Ty sông hát, Sông trăng Phan Thiết (Nguyễn Thị Liên Tâm), Thơ trong tập thơ chép tay “Núi” (Nguyễn Như Mây), Ngày trở về Phan Thiết (Hồ Việt Khuê), Phan Thiết ngày về (Nguyễn Văn Minh), Bên sông Cà Ty (Võ Nguyên), Soi bóng Cà Ty, Mời em về với xuân này, Đổi thay (Thanh Tâm), Hoài vọng ngày xuân (Lê Thị Tâm Thu), Gió sông Mường (La Văn Tuân), Tháng giêng Cà Ty (Mai Việt)… Đây là một điều rất riêng trong văn chương Bình Thuận, khi dòng Cà Ty, tháp nước là điểm nhấn cho thành phố biển hiền hòa.
Xin được dẫn đôi câu thơ để bạn đọc cùng tác giả những thi phẩm ấy nhớ về: “Đêm sông hát, vang tiếng cười khúc khích/ Cà Ty xanh. Thuyền mê dụ phương người”/… “Mường Mán tôi ơi! Bên bồi bên lở/ Dòng mặn cồn cào. Dòng ngọt ru nôi” (Đêm Cà Ty sông hát – Nguyễn Thị Liên Tâm). “Bao chuyến đò đi ngược về xuôi/ Có sóng nào êm như sóng sông Mường/ Có ngọn gió nào thổi cái mặn mà Phan Thiết” (Gió sông Mường – La Văn Tuân).
“Trên sông Mường Mán tôi về/ Neo thuyền ngủ với đêm hè đầy trăng/ Hai bên bờ gió lang thang/ Rủ tôi uống chút trăng vàng rồi say” (Thơ trong tập thơ chép tay “Núi” – Nguyễn Như Mây). “Rộn ràng về lại phố xưa/ Dọc Cà Ty tìm cầu Quan ngày ấy” (Hoài vọng ngày xuân… – Lê Thị Tâm Thu).
Nói đến Phan Thiết, không thể nào không nhắc đến nước mắm. Bởi, nước mắm Phan Thiết nổi tiếng thơm ngon từ rất lâu đời. Nhắc đến Phan Thiết, cũng khó thể nào quên những thức ăn được chế biến từ hải sản tươi ngon. Nhiều bài trong thi tập “Soi bóng Cà Ty” đã viết về nước mắm, về hải sản tươi ngon, về độ mặn mà của những sản vật từ miền quê biển. Nhà thơ La Văn Tuân gởi đến bạn đọc bài thơ mang đậm vị mặn mòi, ngọt thơm của hải sản nướng, hấp, hương đặc trưng nồng nàn của nước mắm thơm ngon: “Phất phất màu nâu áo má gọi ngày xưa/ Em chân sáo tóc bồng mùa gió cũ/ Ngây ngây Cồn Chà mưa/ Còn thơm nồi cá hấp/ Em mở ra và gió cuốn lên trời”, “Mà Ngư Ông thoảng hương/ hương của bốn mùa Phan Thiết” (Gió sông Mường – La Văn Tuân).
Nước mắm ngon của Phan Thiết, Bình Thuận còn xuất hiện trong thơ của những tác giả khác: “Chiều nay anh về ăn cơm với mẹ/ Nước mắm ngon dằm ớt cay nồng/ Hạnh phúc như con thuyền nhỏ bé/ Mang gió về tụ tập bến sông” (Nơi ấy trở về – Đào Văn Chừ). Cùng đây nữa: “Tôi lang thang, hít mùi thơm… im lặng/ Bến Cồn Chà, nghe đẫm mặn gót chân/ Vạn Thủy Tú trầm ngâm, cất giữ những hồng ân/ Những linh vật phiêu du từ biển/ Con đường thơm mùi ngọt nồng miên miết/ Ủ trong nắng sót lại từ ngày” (Phan Thiết, mùi biển mặn – Nguyễn Thị Liên Tâm).
Không chỉ nổi tiếng với nước mắm thơm ngon, Bình Thuận còn nổi tiếng cả nước với thanh long đặc sản. Nhà thơ Vương Đại Lợi đã viết về loài cây đặc sản ấy: “Rồng trổ vàng lụa/ Lúa xuân vàng đồng/ Rồng xanh uốn múa/ Quả châu quanh vòng” (Rồng xinh Lúa chín); cùng những bài thơ khác trong thi tập viết về thanh long của quê hương.
Ở một mảng đề tài khác, hình ảnh Bác Hồ, cụ Nguyễn Thông qua tấm lòng vô cùng quý trọng, ngưỡng mộ của nhà thơ cũng đã đi vào những trang thơ của nhà thơ Đỗ Quang Vinh. Tác giả đã gởi đến độc giả những tình cảm từ đáy lòng mình khi anh viết về việc học tập, làm theo Bác Hồ vô vàn kính yêu: “Bác đã về/ Trong mỗi việc ta làm/ Nhắc nhở, bảo ban, ân cần, độ lượng…/ Người dạy ta chớ bao giờ lơ đễnh/ “Cán bộ là công bộc của nhân dân…” (Bác đã về – Đỗ Quang Vinh). Nhà thơ cũng đã dành những lời thơ trân trọng viết về cụ Nguyễn Thông: “Việc đời “bãi biển hóa nương dâu”/ Vẫn lấp lánh một tâm hồn khoáng đạt/ Việc quan, thôi đành bất lực…/ Với dân đau đáu một tấc lòng” (Trước mộ Nguyễn Thông – Đỗ Quang Vinh).
Những nét văn hóa của miền đất Phan Thiết, Bình Thuận thân thương đã lưu lại trên những trang thơ của nhà thơ Đào Văn Chừ. “Tấm lòng Việt của nghìn năm trước/ Đã chan hòa cùng biển cả bao la/ Những đền thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na/ Thiên Hậu cung cùng lăng Ông Nam Hải”, “Trầm tích biển lớp tầng văn hóa biển/ Nuôi hồn tôi cùng hồn khách thập phương/ Biển vùi lấp những tàu ô tàu chiến/ Đón đoàn tàu xanh – xanh như đại dương…” (Trầm tích biển – Đào Văn Chừ). Lời thơ mang niềm tin về sự phát triển của Phan Thiết, Bình Thuận, nhất là sự chú tâm khai thác nét đặc trưng văn hóa trong du lịch, một trong ba trụ cột của phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Ngoài ra, tập thơ còn đi sâu vào những đề tài khác: Về tình yêu Tổ quốc, về tình yêu đôi lứa, về nghề biển, về lòng yêu thơ Đường của nhóm Đường thi Bông Vông, những suy tư về cuộc đời, cùng mảng ký ức về Phan Thiết của từng tác giả, là những nỗi nhớ vẫn luôn lặng lẽ chảy trong tim của những người con Phan Thiết.
3. Nếu năm 1988, thị xã Phan Thiết đã gởi đến bạn đọc tập thơ “Gió mặn Phan Thiết”; thì lần này, với “Soi bóng Cà Ty”, Chi hội Văn học TP. Phan Thiết đã gởi đến độc giả những thi phẩm có những nét đẹp riêng.
Có thi phẩm, nhà thơ đã tổ chức câu thơ và hình ảnh theo cách tương xứng để làm tăng hiệu quả thẩm mỹ và khả năng biểu hiện cho câu thơ. Chẳng hạn như những dòng: “Biển dẫu động nhưng lòng tĩnh lặng/ Mặt đất yên lại quá đỗi gập ghềnh” (Trưa ở Phú Hài – La Văn Tuân).
Thêm một trường hợp khác, nhà thơ đã sử dụng các từ ngữ mang tính chất đối lập đặt gần nhau trong những dòng thơ nối nhau ở cùng một khổ thơ, để làm bật tính chất đối, tạo được sự hàm súc, thể hiện tình cảm khó nhạt phai giữa những nhân vật trữ tình trong bài thơ: “Sáng D’Ran sương hôn hoa mũm mĩm/ Em là mây lướt thướt đợi làm mưa/ Chiều D’Ran hoa ngậm sương chúm chím/ Đất bazan tôi khao khát lòng chờ” (Tỏ tình với D’Ran – Hồ Việt Khuê).
Nhà thơ Thanh Tâm cũng đã ghi lại dấu ấn của mình trong “Soi bóng Cà Ty” khi tên một bài thơ của anh được lấy làm tên chung của thi tập. Cùng với đó là những lời thơ đẹp, mang đầy tính ẩn dụ: “Nhớ tà áo lụa bài thơ/ Níu hồn tôi giữa ngẩn ngơ nắng vàng” (Một ngày về lại Phú Long – Thanh Tâm).
Yêu biển, đảo Tổ quốc, yêu những người lính ngày đêm canh giữ chủ quyền của biển đảo quê hương, nhà thơ Võ Thị Hồng Tơ viết những dòng thơ thật đậm tình: “Giọt Sao trời như đôi mắt em thơ/ Lấp láy đêm đêm nghiêng về đảo nhỏ/ Sau bão tố/ Đêm mệt nhoài… biển thở/ Có ngôi sao đậu xuống vai người/ Yêu cõi bờ sao thức phía trùng khơi. (Những ngôi sao biển)…
4. Quê hương mãi vẫn ở trong trái tim của những người con của Phan Thiết. Từ tình cảm ấm nồng, hình dáng của quê hương đi vào thi phẩm của những thi nhân. Những nỗi nhớ về quê hương, mãi gợi trong lòng những người xa quê, gợi cả cho những người quanh năm vẫn gắn bó với quê nhà.
Nhìn lại “Soi bóng Cà Ty”, người viết bài xin mượn những dòng thơ của nhà thơ Mai Việt thay cho lời kết: “Tháng giêng Cà Ty in bóng tháp bên cầu/ Đâu màu vông xưa cháy thời niên thiếu/ Mỗi lần trở về gặp trong quá khứ/ Có một phần tôi ở lại với thương yêu” (Tháng giêng Cà Ty).
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/phan-thiet-dong-song-cung-bao-noi-nho-123958.html