BTO-Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có nông nghiệp và nông dân. Cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng, nếu so với những năm trước, đời sống nông dân đã có nhiều chuyển biển tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 46 -NQ/TW, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam vẫn còn hạn chế, bất cập, cần khắc phục.
Còn nhiều khó khăn, thách thức với nông dân
Những ngày cuối tháng 8/2024, cùng với một số địa phương khác trên cả nước, Bình Thuận xảy ra mưa lớn, gây ngập úng, lũ lụt, trong đó ảnh hưởng nặng nề ở xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam. Một ngày sau khi cơn lũ ập về, ông Lê Văn Danh – nông dân trồng thanh long ở thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ tay cầm liềm, lội giữa dòng nước chảy đang ngập nửa trụ thanh long ngậm ngùi chặt bỏ lứa búp thanh long đang trắng cành.
Dù tiếc nuối lứa thanh long vừa rút chong đèn chưa lâu, hứa hẹn một đợt thu hoạch bội thu, nhưng ông Danh đành bỏ đi để dưỡng, phục hồi cây, trong khi lứa búp khi đã ngâm qua nước lũ cũng sẽ bị hư hại hoàn toàn. Lặng nhìn tài sản, công sức của gia đình trôi theo dòng lũ, người nông dân này mới “thấm” thêm sự khổ nhọc của nông dân khi trồng trọt luôn phải “Trông trời trông đất trông mây – Trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm”…
Đó chỉ là một ví dụ ở khía cạnh nhỏ về những khó khăn của nông dân hiện nay. Cũng ở Hàm Thuận Nam những tháng đầu năm 2024 lại xảy ra hạn hán, thiếu nước. Nhiều hộ dân, nhiều diện tích cây trồng bị chết khô do hạn. Trong chuyến kiểm tra thực tế tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đã đề nghị UBND huyện cần xác định cụ thể vùng bảo đảm tưới, vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để điều chỉnh kế hoạch sản xuất và bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng về nguồn nước, bảo đảm sản xuất có hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho cây trồng…
Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, đến nay tình hình sản xuất, đời sống của đại bộ phận hội viên, nông dân tương đối ổn định và phát triển. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thường xuyên ban hành văn bản tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Hội viên, nông dân chấp hành tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, hội viên, nông dân đều lo lắng về sản xuất, đời sống nông dân còn khó khăn như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giá tăng cao. Giá cả mặt hàng nông sản đầu ra chưa ổn định như thanh long. Nhất là những tháng đầu năm 2024, tình hình khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất gây khó khăn đến đời sống sản xuất hội viên, nông dân ở một số nơi trong tỉnh. Những áp lực đối với nông dân còn phải kể đến xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng ưu thế cạnh tranh ở thị trường trong nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, hiện đa số nông dân vẫn thiếu thông tin khoa học trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Tình trạng nông dân thiếu việc làm, thời gian nông nhàn còn nhiều..
Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng giai cấp xã hội ngày càng rõ rệt trong khu vực nông thôn, đặc biệt giữa nông thôn và thành thị…
Những hạn chế, khó khăn về hoạt động các cấp hội nông dân trong tỉnh cũng được được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đề cập. Đó là chưa đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động. Cùng với việc chưa khơi dậy được tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân. Việc thực hiện vai trò đại diện, nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân chưa kịp thời; hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Một bộ phận nông dân nhận thức, trình độ, năng lực còn hạn chế, đời sống khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trong nông dân còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên được nhìn nhận, chủ yếu là do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đầy đủ, đúng mức. Nguồn lực dành cho hoạt động hội và hỗ trợ cho nông dân còn hạn chế. Một số tổ chức hội chưa chủ động, kịp thời trong tham mưu, chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Song song, sự phối hợp giữa hội với các cơ quan, tổ chức còn hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Một bộ phận cán bộ hội năng lực hạn chế, chậm đổi mới tư duy, thiếu tâm huyết, chưa sâu sát cơ sở, chưa đủ uy tín dẫn dắt phong trào nông dân, chưa đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Nông dân phát huy vai trò là chủ thể
Nghị quyết số 46 -NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu là đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh. Đồng thời làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Tại Bình Thuận, Hội Nông dân tỉnh cho biết, những năm qua mặc dù tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn gặp không ít khó khăn nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ của các cấp chính quyền, cùng tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo các cấp hội đã tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Qua đó, thu hút được gần 17.000 hội viên, nâng số hội viên đến nay khoảng 150.000 người.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, dịch vụ, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Nổi bật như phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Chỉ tính trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 5 nông dân tiêu biểu xuất sắc toàn quốc; 12 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm tiêu biểu toàn quốc và 358 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 3.703 hộ có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 62.800 lao động; giúp đỡ vốn, giống cây trồng, con nuôi và kinh nghiệm sản xuất cho 15.730 lượt hộ nông dân nghèo…
Ngoài ra, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp trên 100 tỷ đồng, 124.000 ngày công, hiến trên 9.000 m2 đất để cùng địa phương xây dựng các công trình dân sinh, kết cấu hạ tầng… Nhờ đó, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần người nông dân được nâng cao.
Đơn cử ở Hội Nông dân xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam được xem là một trong những điển hình của huyện trong hoạt động hội. Theo đó, việc sinh hoạt chi, tổ hội được duy trì thường xuyên gắn với công tác phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, luôn hướng về địa bàn dân cư. Trong tháng 7/2024, Hội Nông dân xã đã thành lập Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi” với 16 thành viên. Qua đó, nhằm tạo diễn đàn cho nông dân giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật, giống vật nuôi cây trồng… Đồng thời tuyên truyền vận động thành viên tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Trước đó, năm 2023, xã thực hiện mô hình “Ánh sáng an ninh” tại thôn Phú Mỹ, lắp 7 camera để đảm bảo an tinh trật tự ở khu dân cư.
Những kết quả này cũng là một trong những nội dung liên quan đến quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Thuận về tăng cường trách nhiệm của hội nông dân trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nông dân. Cùng với đó, động viên, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế nông thôn. Mục tiêu đưa nông nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/cau-noi-vung-chac-giua-nong-dan-voi-dang-nha-nuoc-bai-2-khac-phuc-kho-khan-nang-cao-chat-luong-phong-trao-nong-dan-123624.html