Đầu tư 8.981 tỷ đồng xây tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1 có chiều dài 60,24 km là một trong những phân đoạn quan trọng của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
Nút giao Dầu Giây – điểm khởi đầu của tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú. |
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 954/QĐ – BGTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP.
Dự án có chiều dài 60,24 km với điểm đầu (Km0+000) tại khu vực nút giao với Quốc lộ 1, kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối:tại Km60+243,83 (cuối nút phạm vi giao với Quốc lộ 20), kết nối với Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Toàn bộ chiều dài tuyến đường thuộc Dự án nằm trọn trên địa phận các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú tỉnh Đồng Nai.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là đường cao tốc cấp 100, quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Trong giai đoạn 1, các yếu tố hình học (bình đồ, trắc dọc) của tuyến đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m.
Tại các vị trí xử lý đất yếu, nền đường đào, đắp cao, phạm vi nút giao liên thông, đoạn dừng xe khẩn cấp, công trình cầu trên đường cao tốc thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với chiều rộng nền đường 24,75m.
Trong phạm vi Dự án sẽ bố trí 5 nút giao liên thông, trong đó giai đoạn 1 đầu tư 4 nút giao và hoạch định 1 nút giao.
Cụ thể, nút giao Dầu Giây (Km0+000) kết nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Quốc lộ 1 được đầu tư hoàn thiện nút giao dạng hoa thị; quy mô các nhánh nút giao từ 1 – 2 làn xe.
Nút giao ĐT.763 (khoảng Km16+500) kết nối cao tốc với Quốc lộ 20, Quốc lộ 1 thông qua ĐT.763; hình thái nút giao dạng trumpet; quy mô các nhánh nút giao từ 1 – 2 làn xe.
Nút giao Cao Cang (khoảng Km38+000) kết nối cao tốc với Quốc lộ 20, trung tâm huyện Định Quán và huyện Đức Linh, Bình Thuận; hình thái nút giao dạng trumpet; quy mô các nhánh nút giao từ 1 – 2 làn xe. Nút giao Tân Phú (Km57+700) kết nối cao tốc với Quốc lộ 20, trung tâm huyện Tân Phú; hình thái nút giao dạng trumpet; quy mô các nhánh nút giao từ 1 – 2 làn xe.
Tại vị trí giao cắt với ĐT.770B (khoảng Km10+400) trước mắt đầu tư cầu vượt trực thông trên đường cao tốc; việc đầu tư hoàn thiện nút giao liên thông thực hiện vào thời điểm thích hợp.
Theo Quyết định số 954, Dự án xây dựng 26 cầu trên các tuyến đường ngang vượt qua đường cao tốc và 4 cầu trên nhánh nút giao vượt cao tốc; bố trí 24 hầm chui dân sinh kết hợp một số vị trí chui dưới cầu trên chính tuyến để đáp ứng nhu cầu kết nối dân sinh hai bên đường cao tốc.
Bên cạnh đó, Dự án còn xây dựng khoảng 31 km đường gom kết hợp với hệ thống hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang, hệ thống đường hiện hữu đảm bảo kết nối giao thông, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống cư dân hai bên tuyến; quy mô đường giao thông nông thôn cấp B. Đối với các đoạn tuyến đi trùng với đường hiện hữu, xây dựng đường hoàn trả theo quy mô tương đương với đường hiện trạng.
Dự án đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thiết bị trên đường cao tốc, các nhánh nút giao, trung tâm điều hành giao thông tuyến, phần mềm quản lý… để phục vụ quản lý, khai thác đường cao tốc bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, kịp thời, tiện lợi và thân thiện với môi trường.
Cấu trúc hệ thống quản lý giao thông thông minh bao gồm các thành phần chính: hệ thống camera giám sát; hệ thống phát hiện xe; hệ thống biển báo thông tin thay đổi; hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số; hệ thống thông tin vô tuyến; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống cấp nguồn; trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến; hệ thống thu phí điện tử không dừng; công trình kiểm soát tải trọng xe.
Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đặt tại khu vực nút giao Cao Cang (khoảng Km38+000). Hệ thống thu phí được áp dụng công nghệ thu phí điện tử không dừng, đồng bộ với giải pháp thu phí đang triển khai trên các tuyến cao tốc, đảm bảo hiệu quả kinh tế – kỹ thuật.
Dự kiến trên tuyến bố trí trạm dừng nghỉ tại Km 40, quy mô khoảng 3 ha/1 bên. Chi phí giải phóng mặt bằng trạm dừng nghỉ tính trong tổng mức đầu tư Dự án; phương án đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tổng diện tích chiếm dụng đất của Dự án khoảng 378 ha, trong đó huyện Thống Nhất khoảng 95 ha; huyện Định Quán khoảng 156 ha; huyện Xuân Lộc khoảng 5 ha; huyện Tân Phú khoảng 122 ha.
Với quy mô đầu tư như trên, Dự án có tổng mức đầu tư là 8.981 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.681,539 tỷ đồng; vốn nhà nước khoảng 1.300 tỷ đồng, thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021.
Với việc nhà nước tham gia khoảng 20% tổng mức đầu tư; tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư là 11,77%/năm, lãi suất vốn vay 9,47%/năm, mức phí khởi điểm áp dụng cho xe nhóm 1 là 1.900 đồng/km… Dự án có thời gian hoàn vốn là 18 năm 2 tháng 11 ngày.
Bộ GTVT ủy quyền Cục Đường cao tốc Việt Nam là cơ quan ký kết hợp đồng. Ban quản lý dự án Thăng Long được giao là bên mời thầu.
Hình thức lựa chọn nhà đầu tư Dự án là đấu thầu rộng rãi trong nước. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là từ năm 2024 đến 2025. Tại Dự án này, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu: thực hiện theo quy định tại Điều 82 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP.
Dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 20; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM – Dầu Giây – Liên Khương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Công trình còn tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.