Những ngày cuối tuần của mùa hè tháng 6, thời tiết mát mẻ như chiều lòng người. Đó cũng là thời điểm chúng tôi từ thành phố biển Phan Thiết có chuyến hành trình về Làng Sen – quê hương Bác Hồ, di tích lịch sử – văn hóa Kim Liên và là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Quê chung của mỗi người dân đất Việt
Hòa mình vào dòng người khắp mọi miền Tổ quốc, chúng tôi đến với Di tích lịch sử – văn hóa Kim Liên trong bồi hồi, xúc động. Đường vào Làng Sen trải qua những năm tháng lịch sử thăng trầm, nay đã khang trang, sạch đẹp với khung cảnh mộc mạc, yên bình như một bức tranh vẽ. Làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sinh sống những năm tháng của thời niên thiếu. Nơi ấy, dưới mái nhà tranh đơn sơ của quê hương nội, ngoại, Bác đã được sống trong tình thương yêu của gia đình, bà con xóm giềng. Từ đó đã nuôi dưỡng trong Bác một tâm hồn vĩ đại, tình yêu quê hương đất nước và con người.
Lần đầu đến Làng Sen, với không gian rộng lớn, thanh bình. Con đường nhỏ dẫn vào ngôi nhà tranh khi xưa Bác ở bát ngát hương sen đang đua nở dưới hồ, ao cá, hàng dâm bụt thẳng tắp, cây bưởi trước sân sum suê trái, dãy tre xanh rì sau nhà đung đưa trước gió. Trong khuôn viên vườn được trồng từng dãy cây chuối, cây rau lang và nhiều loại cây hoa màu khác… Theo lời giới thiệu của Khu Di tích Kim Liên về lịch sử ngôi nhà ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh): “Khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901), ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó Bảng. Lần đầu tiên ở Làng Sen có người đậu đạt cao. Trước niềm vinh dự đó, nhân dân Làng Sen đã trích mảnh đất rộng khoảng 2.500 m2 đất học điền làm vườn, mua một ngôi nhà năm gian bằng gỗ, lợp tranh lá mía về dựng tại đây và mời gia đình Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc về ở. Thời gian này ông Nguyễn Sinh Thuyết (người anh trai cùng cha khác mẹ với ông Sắc) đã chuyển ngôi nhà ngang sang làm nhà bếp cho em.
Từ năm 1901 – 1906 ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc và 3 người con (Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành – tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu) rời làng Hoàng Trù về sống ở Làng Sen. Chính tại ngôi nhà này, Nguyễn Tất Thành đã nhiều lần được tiếp xúc với các sĩ phu và nhà nho yêu nước, thương dân. Cuối năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế học ở trường Quốc học Huế, tham gia tích cực phong trào chống thuế Trung kỳ, cuối năm 1909 rời Huế đi vào các tỉnh phía Nam, ngày 5/6/1911 ra đi tìm đường cứu nước.
Sau nhiều năm biến động của đất nước, gia đình không sống ở đây, ngôi nhà này được giao lại cho người khác sử dụng. Năm 1956, ngôi nhà đã được sưu tầm về và sử dụng lại trên nền đất cũ làm di tích lưu niệm. Những hiện vật đơn sơ, giản dị tại đây đã gắn bó nhiều kỷ niệm sâu sắc trong 5 năm tuổi niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây còn ghi dấu sự kiện hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm: Ngày 16/6/1957 và ngày 9/12/1961. Ngôi nhà được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia năm 1990 và xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012”.
Nơi giáo dục truyền thống
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đến nay lớp lớp con cháu Bác Hồ khắp mọi miền tổ quốc vẫn nườm nượp về Làng Sen, về với Di tích lịch sử – văn hóa Kim Liên để tưởng nhớ, tri ân và tìm hiểu thêm về nguồn cội của Người…
Giọng nói ngọt ngào của hướng dẫn viên Khu Di tích Kim Liên vẫn đọng lại trong tôi và mỗi du khách: “…Quê Bác từ lâu đã trở thành quê chung của mỗi người dân đất Việt. Xa quê hơn 50 năm vậy mà ngày trở về, Bác vẫn giọng ấm tình của một người con xứ Nghệ. Bác xúc động tâm sự bằng vần thơ: “Quê hương nghĩa trọng tình cao – Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”…
Tạm biệt Làng Sen quê Bác, tạm xa những cơn gió Lào và cái nắng miền Trung tháng 6, chúng tôi trở lại với phố biển Phan Thiết, với Trường Dục Thanh. Nơi đây, trong hành trình vào các tỉnh phía Nam, năm 1910 thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã đến Phan Thiết và dừng chân dạy học. Thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh tuy ngắn nhưng khá quan trọng để thầy Thành có dịp học hỏi, tích lũy vốn văn hóa, kiến thức, kinh nghiệm sống, nghiên cứu tình hình mảnh đất phía nam chuẩn bị cuộc hành trình vượt đại dương ra đi tìm đường cứu nước…
Từ Làng Sen quê Bác, nhìn về Phan Thiết (Bình Thuận) hôm nay vẫn sừng sững ngôi trường Dục Thanh đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Còn có Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận, hiện trưng bày hàng trăm tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Ở đó cũng trở thành một địa chỉ đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan và thưởng lãm. Đồng thời có vai trò quan trọng giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng đối với thế hệ trẻ…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/ve-lang-sen-que-bac-119942.html