Với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên và liên tục, thời gian qua, những bất cập trong hoạt động khai thác thủy sản mà Ủy ban châu Âu (EC) chỉ ra trong các đợt kiểm tra trước đây đã được tỉnh từng bước khắc phục, đi vào thực chất. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng việc nhận thức của ngư dân về chấp hành pháp luật trên biển từng bước có hiệu quả, việc quản lý đội tàu cũng như hoạt động khai thác hải sản, truy xuất nguồn gốc… theo những khuyến nghị của EC đang dần đi vào khuôn khổ.
Không để phát sinh tàu cá “3 không”
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh mới đây, vấn đề này được ngành nông nghiệp và các thành viên trong ban chỉ đạo bàn luận khá căng thẳng, mong tìm giải pháp căn cơ để số tàu “3 không” đã rà soát, thống kê, cấp đăng ký tạm không phát sinh thêm. Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 8.450 tàu cá chiều dài từ 6m trở lên. Số lượng tàu cá “3 không” đã rà soát, thống kê là 2.515 chiếc. Tuy nhiên, số liệu này tăng 647 chiếc so với thời điểm rà soát tháng 12/2023 (1.868 chiếc) và tăng 135 chiếc so với thời điểm thống kê, đăng ký tạm tháng 3/2024 (2.380 chiếc). Có sự phát sinh này là do công tác quản lý tàu cá ở các địa phương chưa chặt chẽ, chưa quản lý được tàu cá “3 không” trên địa bàn. Vào thời điểm tháng 3/2024, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương thành lập các tổ để rà soát lại lần cuối, đăng ký tạm và yêu cầu ký xác nhận số liệu tại thời điểm đó. Mặc dù Bình Thuận là 1 trong những tỉnh tiên phong thực hiện rà soát, cấp đăng ký tạm cho tàu “3 không”, tuy nhiên, nếu các địa phương không giám sát, quản lý, không nắm được số lượng tàu chính xác thì rất khó để ngành chức năng quản lý đội tàu”.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chỉ đạo quyết liệt: “Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố sẽ chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để phát sinh tàu “3 không” và yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phải hoàn tất việc rà soát, cấp đăng ký tàu “3 không” theo quy định tại Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong tháng 9/2024”.
Dồn sức gỡ “thẻ vàng”
Được biết, thời gian qua, các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC. Trong đó, dồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như theo dõi, kiểm soát tàu cá nguy cơ cao, kịp thời ngăn chặn không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá; kiểm soát, phòng chống khai thác IUU tại cảng, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; và tăng cường thực thi pháp luật, xử lý vi phạm… Nhờ đó, ngoài vụ việc 1 tàu cá/7 lao động (huyện Hàm Tân) vi phạm bị Malaysia bắt giữ vào đầu năm 2023 (UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ tàu với số tiền là 900 triệu đồng), đến nay không có thêm trường hợp nào của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra của Bộ Nông nghiệp và PNT đến kiểm tra công tác chống khai thác IUU của tỉnh, đã chỉ ra một số hạn chế mà Bình Thuận cần lưu ý khắc phục như: Tình trạng tàu cá mất kết nối trên biển diễn ra phổ biến nhưng việc xử lý, xử phạt chưa nghiêm; việc ghi nộp nhật ký khai thác hay giám sát sản lượng lên bến tại các cảng cá còn rất hạn chế, chưa xử phạt hành vi tàu cá khai thác sai vùng, điển hình là tàu lưới kéo…
Do đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo IUU tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT căn cứ kết luận của Đoàn kiểm tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, ban hành kế hoạch có giải pháp khắc phục cụ thể từng nhiệm vụ, hoàn thiện sớm trong tháng 8. Đặc biệt, nhấn mạnh từ nay đến tháng 10/2024, phải chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài. Các địa phương phải nắm chắc địa bàn, quản lý đội tàu có nguy cơ cao, xử lý, xử phạt nghiêm minh, không có vùng cấm. Ngành nông nghiệp cần phối hợp lực lượng công an để có biện pháp nhắc nhở, răn đe phát huy hiệu quả hơn. Riêng các tàu cá mất kết nối VMS trong 6 giờ/10 ngày có tính chất liên tục, thường xuyên, cần đưa nhóm tàu này vào nhóm nguy cơ cao, tăng cường giám sát và chuyển cho lực lượng công an theo dõi…
Tháng 10 tới đây là đợt thanh tra có yếu tố quyết định có gỡ được “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam hay không, vì thế các bộ, ngành, Trung ương và các địa phương có biển đang nỗ lực, dồn sức kiểm soát hoạt động nghề cá, góp phần cùng cả nước quyết tâm giành lại “thẻ xanh” IUU. Với mục tiêu hướng đến phát triển nghề cá bền vững theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.