Với sự tăng trưởng liên tục trong nhiều thập kỷ qua, du lịch khẳng định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh nhất, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam. Không ngoài xu thế đó, du lịch cũng được xem là 1 trong 3 trụ cột chính của Bình Thuận.
Trong khuôn khổ hội thảo khoa học do Trường Chính trị tổ chức mới đây, nhiều đại biểu và cán bộ, giảng viên đã có những trao đổi, đánh giá toàn diện về thực trạng, đồng thời đề ra những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà.
Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại
Thời gian gần đây, Bình Thuận có sự tăng trưởng lớn về số lượng khách du lịch, nhất là sau khi được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh” và thông tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo giúp rút ngắn thời gian di chuyển của du khách đến Bình Thuận. 9 tháng năm 2023, du lịch Bình Thuận đón gần 7 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (tăng gần 76% so năm trước). Trong đó, khách quốc tế có trên 200.000 lượt (tăng 3,95 lần so cùng kỳ); tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt trên 17,6 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so cùng kỳ. Dù đạt một số thành tích nổi bật nhưng các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận du lịch của tỉnh chưa khai thác hết tài nguyên, lợi thế; loại hình, sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng; việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái núi, rừng, hồ, thác còn yếu…
Thầy Đặng Tấn Công – Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng cho rằng: Ẩm thực được coi là một trong những lý do chính để du khách lựa chọn điểm đến và níu chân họ quay trở lại, nhưng Bình Thuận vẫn chưa khai thác triệt để lợi thế này. Trong khi món ăn miền biển ở địa phương khá đa dạng, nguyên liệu không quá cầu kỳ.
Còn theo Thạc sĩ Đào Thị Thùy Trang – Khoa Lý luận cơ sở: Hiện nay sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn chưa phong phú, đa dạng. Cộng thêm tình trạng rác thải ven các tuyến đường, nơi công cộng, rác từ biển tấp vào bãi biển chưa được giải quyết triệt để; thiếu nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn ở một số khu du lịch, điểm tham quan vẫn là vấn đề bức xúc…
Phân tích thêm những vướng mắc của ngành, ông Nguyễn Chí Phú – Trưởng phòng Quản lý văn hóa – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Hầu hết các di tích, danh thắng quốc gia và cấp tỉnh tuy đã được tu bổ, tôn tạo nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên chỉ mang tính chất chống xuống cấp là chính; chưa đáp ứng để triển khai tu bổ, tôn tạo đảm bảo tính đồng bộ, khôi phục lại các yếu tố nguyên gốc, môi trường cảnh quan và nét trang nghiêm của di tích, danh thắng. Đến nay, địa phương chưa có thiết chế bảo tàng hoàn chỉnh, đủ chuẩn để tổ chức các hoạt động kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giáo dục, truyền thống đảm bảo hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng tỉnh. Vì vậy, Bảo tàng tỉnh chưa được đầu tư một cách bài bản, đủ chuẩn về hệ thống nhà kho bảo quản hiện vật, trang thiết bị, hệ thống ánh sáng, công nghệ mới để tương tác… Do đó việc trưng bày hiện còn mang tính tạm thời, chưa sinh động, hấp dẫn.
Đề xuất nhiều giải pháp phát triển
Thông tin tại buổi hội thảo khoa học “Phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh Bình Thuận hướng tới phát triển bền vững”, Thạc sĩ Trần Thị Minh Hoài – Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Nhà trường đã nhận được 20 bài tham luận của những người làm chuyên môn, giảng viên và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Các bài viết lập luận, phân tích sâu sát, khách quan dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, trong đó đề xuất nhiều giải pháp tâm huyết cho ngành du lịch tỉnh nhà như cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị của các tài nguyên du lịch và lợi ích của hoạt động du lịch. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; tour, tuyến độc đáo thu hút du khách.
Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa trong đầu tư hạ tầng du lịch và nâng tầm giá trị các di tích, thiết chế văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Có cơ chế nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; gắn hoạt động lễ hội với các di tích, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn du khách; hướng dẫn và tạo sinh kế cho người dân từ hoạt động của các di tích và giá trị của các di sản… Đây cũng là nguồn tư liệu để các giảng viên bổ sung vào bài giảng một cách phù hợp, giúp học viên có cái nhìn tổng quan, chính xác nhất về ngành du lịch tỉnh nhà.
Sau khi lắng nghe những tham luận, ý kiến thảo luận, góp ý, bà Nguyễn Lan Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, thầy cô giáo. Đồng thời thông tin rõ thêm những khó khăn của ngành để đại biểu cùng chia sẻ, chung tay đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch, khi Bình Thuận đang hình thành thêm những điểm đến mới hiện đại với hệ tiện ích đa dạng chuẩn quốc tế; du lịch nông thôn, rừng – hồ – thác được đưa vào khai thác; phát triển du lịch thể thao biển. Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối quảng bá trên các trang điện tử, lắp đặt mã QR…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi gắm: Mục tiêu phát triển bền vững là hướng tới cộng đồng, cộng đồng được hưởng lợi nhưng thiết nghĩ cộng đồng phải cùng có nghĩa vụ, trách nhiệm để quảng bá, xúc tiến điểm đến. Với tinh thần “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”, chỉ cần mỗi ngày mỗi người chia sẻ một hình ảnh đẹp về Bình Thuận thì du lịch tỉnh nhà đã đạt được hiệu quả về công tác xúc tiến, chung tay để ngành du lịch phát triển.