Do hạn hán kéo dài, giếng khoan cạn nước, dẫn đến nhiều diện tích nhãn và một số cây lâu năm khác trên địa bàn xã Thắng Hải, đang dần vàng úa. Ngược lại, ở những hộ trồng có nước tưới từ giếng khoan, nhãn xuồng đã vào vụ thu hoạch, mang lại năng suất và giá cả tốt.
Nhãn chưa thể ra trái vì thiếu nước
Những ngày trung tuần tháng 5, chúng tôi có mặt ở Thắng Hải, một xã nằm cuối huyện Hàm Tân, giáp ranh với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cùng với nhiều địa phương khác trong tỉnh, nơi đây hiện vẫn chưa có cơn mưa đầu mùa. Nắng hạn khắc nghiệt, kéo dài đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Chạy tuyến đường 331, nơi tập trung diện tích cây nhãn xuồng của xã, chúng tôi chứng kiến hình ảnh đối lập đang xảy ra, giữa nơi có nước và nơi gặp hạn.
Đó là một bên với hình ảnh sum suê, trĩu trái ở vườn có nước tưới từ giếng khoan. Xen lẫn vào đó là những vườn cây ăn trái lâu năm đang rũ màu héo úa do giếng khoan đã bị cạn đáy… Nếu mưa tới muộn, chắc chắn mùa vụ thu hoạch và năng suất, chất lượng nhãn sẽ bị ảnh hưởng và chậm so với mọi năm.
Cùng có mặt tại vùng trồng nhãn, ông Trần Kim Trung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thắng Hải cho biết, toàn xã có 400 ha nhãn, nhưng thời điểm này có khoảng 100 ha đang bị thiếu nước tưới, vàng úa. Nguyên nhân là do tại địa phương chưa có nguồn nước thủy lợi, người dân chủ yếu sử dụng nước tưới thông qua đào giếng khoan, nhưng do hạn hán kéo dài dẫn đến nhiều giếng khoan bị kiệt nước. Ông Trung cho biết, thường lệ như mọi năm, vào thời điểm này cây nhãn xuồng ở xã Thắng Hải đã ra trái đều và sẽ cho thu hoạch rộ vào khoảng một tháng tới. Nhưng do hạn, nên ngoài 100 ha đang bị héo úa, nguy cơ chết dần, hầu như các diện tích nhãn trên địa bàn xã chưa ra trái hoặc trái nhỏ. Chỉ một vài hộ dân có giếng khoan còn nước, chủ động tưới mới xanh tốt, bắt đầu cho thu hoạch. Bà Nguyễn Thị Thúy Vân (thôn Suối Tứ) với 4 ha nhãn và cây ăn trái khác là một trong số nông dân may mắn đó.
Năng suất cao ở vườn chủ động tưới
Là người đã sinh sống lâu năm và gắn bó với việc trồng cây ăn trái gần 30 năm nay trên địa bàn, bà Vân cảm nhận được sự khốc liệt của biến đổi khí hậu, đơn cử là sự khô hạn, cạn kiệt mạch nước ngầm đang diễn ra ở đây. Bà Vân chia sẻ, để “sở hữu” được 3 giếng khoan còn nguồn nước trong thời điểm hiện tại để chủ động tưới tiêu cây trồng thật không dễ, trong đó có may mắn. Bởi công sức, tiền bạc để đầu tư mỗi cái giếng khoan sâu 100 m, hết hàng chục triệu đồng, nếu không gặp mạch nước cũng coi như “tiền mất, tật mang”.
Thời điểm chúng tôi ghé thăm, bà Vân đang đứng thu hoạch lứa nhãn xuồng đầu mùa sum suê ở diện tích nhãn tơ vừa tròn 2 năm tuổi. Bà Vân cho biết, gia đình bà là một trong những hộ đầu tiên trồng nhãn cho thu hoạch năm nay, nhờ giếng khoan đang có nước. Tuy nhiên, bà Vân cũng lo lắng khi giếng khoan tại gia đình đang bị nhiễm vôi. Để vừa ứng phó hạn, vừa cấp nước đủ cho cây, bà Vân sử dụng nước tưới tiết kiệm bằng hệ thống nước tưới tự động, 2 ngày tưới một lần. Nhờ đó, vườn nhãn xuồng của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch, vào dịp tháng 5 âm lịch sẽ cho thu hoạch rộ, với sản lượng khá nhiều. Nhẩm tính của bà Vân, thời điểm này do hạn, ít cây có trái nên nhãn xuồng của gia đình được thương lái thu mua tại vườn với giá 40.000 đồng/kg và khả năng sẽ còn tăng giá thời gian tới. Nếu so với giá bán các năm trước (bình quân 30.000 đồng/kg thậm chí có thời điểm rớt giá xuống dưới 15.000 đồng/kg), thì mức giá năm nay bà con có lãi khá.
Theo UBND xã Thắng Hải, đây là một trong những vùng chuyên canh cây ăn trái và cây công nghiệp dài ngày của huyện. Với đặc điểm khí hậu đặc trưng, những năm gần đây, cùng việc thâm canh tăng sản lượng, chất lượng nhãn tiêu da bò, Thắng Hải tập trung mở rộng diện tích nhãn xuồng cơm vàng và đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm với thương hiệu “Nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải” có chất lượng, thơm ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, để sản phẩm cây ăn trái của xã nói chung và nhãn xuồng cơm vàng nói riêng ngày càng nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, giữ vững được đầu ra thì cần nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm. Trong đó, điều kiện tiên quyết cần có được đó là chủ động nguồn nước. Bởi vậy, hơn ai hết, bà con địa phương đang mong muốn nguồn nước thủy lợi từ hồ Sông Dinh 3 sẽ sớm được nối mạng đến vùng đất ven biển này để kết tinh sự “ngọt ngào” từ khí hậu, thổ nhưỡng, nước và bàn tay chăm sóc của con người sẽ tạo nên một vùng chuyên canh hiệu quả và thương hiệu cây ăn trái xã Thắng Hải vươn xa. Khi ấy, nguy cơ thất mùa nhãn vì thiếu nước tưới sẽ không xảy ra.