Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện Dự án hồ chứa nước Ka Pét (dự án), Hàm Thuận Nam. Đồng thời kiến nghị, đề xuất Quốc hội các giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ dự án. Trong đó, giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương đẩy nhanh việc thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét với tinh thần quyết tâm và nỗ lực cao nhất.
Theo nội dung báo cáo của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện dự án, đến nay UBND tỉnh Bình Thuận đã thực hiện công tác lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt. Đồng thời dự kiến tiến độ thực hiện dự án trong thời gian tới, gồm việc trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư kết thúc ngày 6/6/2024. Chính phủ cho biết, việc bảo đảm hoàn thành dự án đúng thời hạn theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội là rất khó khăn (theo Nghị quyết, thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 – 2025).
Một trong những khó khăn của dự án là chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị tư vấn khẩn trương thực hiện khảo sát địa chất và hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi gửi đơn vị tư vấn thẩm tra. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đơn vị tư vấn chậm hoàn thiện, hồ sơ còn chưa chính xác và thiếu dữ liệu. Vì vậy đến nay chưa thực hiện xong công tác thẩm tra hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức khảo sát địa chất, tại vị trí tuyến đập chính bố trí hiện nay nằm trên tầng địa chất yếu. Vì thế đơn vị tư vấn và Ban Quản lý dự án (QLDA) cần có thời gian để xem xét xử lý lớp địa chất này hoặc dịch chuyển có mức độ vị trí tuyến để nền đập có địa chất tốt hơn nhưng không làm thay đổi dung tích hồ, không tăng quy mô và chi phí xây dựng.
Mặt khác, để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi trình thẩm định, phê duyệt dự án cần cập nhật đầy đủ các chi phí liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, trồng rừng thay thế, vị trí bãi thải…Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, việc bố trí đất sản xuất cho 5 hộ dân có đất sản xuất nằm trong lòng hồ khoảng 5,1 ha. Do không có quỹ đất để bố trí tái định canh tại chỗ cho 5 hộ trên, hiện nay địa phương đã vận động, thuyết phục các hộ dân chấp nhận đền bù về đất bằng tiền, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo điều kiện sinh kế, ổn định cuộc sống. Mặt khác, phải tổ chức rà soát lại diện tích đất để tổ chức trồng rừng thay thế theo quy định…
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án, hiện Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương đẩy nhanh việc thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét với tinh thần quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Ngoài ra, các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương hoàn thành việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo đúng quy định. Trường hợp không thể thực hiện đúng tiến độ dự án, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công và chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn đề phát sinh (nếu có)…
Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam có mục tiêu cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân, phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Quy mô dự án gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m³, dung tích hữu ích 47,41 triệu m³, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha. Tổng mức đầu tư dự án 874,089 tỷ đồng, gồm nguồn vốn từ ngân sách Trung ương 519,927 tỷ đồng, ngân sách địa phương 354,162 tỷ đồng.