Sưu tầm là một trong những nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ quan trọng của bảo tàng để có các hiện vật gốc mang giá trị khoa học. Chính vì thế trong những năm qua, công tác sưu tầm luôn được Bảo tàng tỉnh chú trọng.
Không ngại khó, ngại khổ
Nhìn những hiện vật gốc trong kháng chiến, văn hóa dân tộc được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, ít ai biết rằng, để có những hiện vật gốc là cả một quá trình sưu tầm gian nan, vất vả của người làm công tác sưu tầm. Điều này không chỉ đòi hỏi những người thực hiện nhiệm vụ này phải giỏi về nghiệp vụ mà còn phải khéo léo thuyết phục, không ngại khó, ngại khổ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Uông Trung Hòa – Trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tàng, Bảo tàng tỉnh cho biết, công tác sưu tầm các tài liệu, hiện vật thời kỳ kháng chiến, thời kỳ bao cấp và văn hóa các dân tộc gặp nhiều khó khăn do chiến tranh đã lùi xa, các tài liệu hiện vật bị thất lạc, hư hỏng mai một dần theo thời gian, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật dẫn đến các tài liệu, hiện vật được thay thế bằng trang thiết bị hiện đại. Các nhân chứng lịch sử tuổi cao, không còn minh mẫn nên khó khăn trong khai thác thông tin và sưu tầm. Thêm nữa, do xu hướng giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc, đặc biệt là nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về việc bảo tồn, phát huy những hiện vật truyền thống (gốc) chưa đảm bảo, để biến dạng, rách hỏng và đa số các tài liệu, hiện vật gắn liền với đời sống sinh hoạt nên khó thuyết phục họ tặng hay bán lại cho bảo tàng.
Đứng trước khó khăn như vậy, cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm đã không ngừng nỗ lực, học hỏi, tiến hành sưu tầm theo nhiều hình thức. Hàng năm tổ chức các đợt khảo sát đến nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng căn cứ cách mạng… để sưu tầm tài liệu, hiện vật tiêu biểu, đặc sắc, hiện vật khảo cổ học. Đồng thời những cán bộ trực tiếp làm công tác sưu tầm luôn rèn luyện kỹ năng giao tiếp với nhân dân, thường xuyên thăm hỏi, vận động gia đình, người thân tác động, thuyết phục để công việc được thuận lợi, với phương châm “Sống gần dân, đi dân nhớ, ở dân thương”.
Ngoài ra, cán bộ Bảo tàng tỉnh còn thiết lập mối quan hệ với các tổ chức, đoàn thể, xây dựng mạng lưới cộng tác viên giữ mối liên hệ với người có uy tín, các vị chức sắc, cán bộ văn hóa xã… cùng tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về giá trị di sản văn hóa và thuyết phục họ đồng thuận trong công tác sưu tầm. Khi phát hiện hiện vật, những đối tượng này sẽ chủ động liện hệ với cán bộ bảo tàng kịp thời sưu tầm, tránh thất thoát và mai một hiện vật có giá trị.
Làm cho các hiện vật “biết nói”
Nhắc lại những chuyến đi sưu tầm, vận động hiến tặng hiện vật, ông Uông Trung Hòa cho chúng tôi biết, vào thời điểm năm 2022, khi UBND tỉnh phê duyệt đề cương trưng bày Nhà tưởng niệm – trưng bày Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ ở Sa Lôn (xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc). Bảo tàng tỉnh là đơn vị được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ triển khai công tác sưu tầm, thu thập các tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan để phục công tác trưng bày. Bên cạnh phát động thư ngỏ, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với Ban liên lạc Văn phòng Tỉnh ủy trong kháng chiến cách mạng Bình Thuận kêu gọi, khuyến khích đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm hiến tặng tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan. Khi nhận được tin báo đồng ý hỗ trợ, trao tặng, các cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng tỉnh ngay lập tức chia nhóm, tiếp cận với đơn vị, tổ chức, cá nhân để tiếp nhận, thu thập thông tin hỗ trợ công tác thuyết minh, làm cho các hiện vật trên “biết nói”.
Từng kỷ vật các cô, các chú trao tặng đều gắn liền với tập thể, cá nhân của từng đồng chí trong quãng thời gian chiến tranh ác liệt, gian khổ, minh chứng hào hùng cho một thời tuổi trẻ sẵn sàng dâng hiến. Đó là chiếc ca tự tạo, lon guigo, bi đông, kéo y tế, khăn thêu, kẹp tóc, kẹp rút dép, máy ảnh, la bàn, radio… Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể, bởi thế dù đã nhuốm màu thời gian nhưng ẩn chứa bên trong nó là sự yêu thương, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi giữa những người đồng đội, tình cảm thủy chung son sắt của người yêu, của chồng với vợ, của cha với con. Ở đó còn có cả máu, nước mắt, sự hy sinh, cùng những hoài bão, ước mơ và nghị lực phi thường một thời tuổi trẻ hiến dâng cho đất nước. Vì thế, nhiều người và cả người thân của họ vương vấn, muốn giữ lại làm kỷ vật trong gia đình. Đến khi cán bộ bảo tàng cam kết về công tác bảo quản, trưng bày theo quy định để xây dựng khu di tích trở thành nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ, họ mới đồng ý.
Chỉ riêng năm 2022, Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 601 hiện vật, vượt 751% so kế hoạch đề ra. Trong đó tiếp nhận hiến tặng 277 tài liệu, hiện vật Salon và 219 tài liệu, hiện vật đề xuất mua. Còn năm 2023, tiếp nhận 25 hiện vật và có những hiện vật quý thuộc văn hóa Sa Huỳnh được nhà sưu tầm tư nhân hiến tặng.
Những hiện vật gốc được người dân hiến tặng đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh đều là những nguồn sử liệu vô cùng giá trị góp phần bổ sung cho hồ sơ hiện vật, khẳng định về truyền thống, giá trị văn hóa lâu đời của vùng đất Bình Thuận.
Bảo tàng tỉnh đang trưng bày và lưu giữ gần 60.000 hiện vật, trong đó gần 30.000 hiện vật gốc có giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, phản ánh toàn diện về giai đoạn lịch sử, tự nhiên, xã hội của tỉnh Bình Thuận.