Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hàm Tân cho biết, tính đến 31/3/2024 tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt 434.119 triệu đồng/9.250 hộ vay tăng 11.823 triệu đồng, tỷ lệ tăng trưởng 2,8% so với đầu năm; doanh số cho vay đạt 32.233 triệu đồng/ 816 món vay.
Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Tổng nguồn vốn đến 31/3/2024 đạt 437.969 triệu đồng, tăng 15.457 triệu đồng, tỷ lệ tăng 3,66% so với đầu năm. Trong đó: Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện 10.153 triệu đồng, chiếm 2,32% cơ cấu tổng nguồn vốn, tăng 2.544 triệu đồng, tăng 33,43% so với đầu năm. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như nợ quá hạn phát sinh tăng 220 triệu đồng so với đầu năm, huy động tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức và cá nhân số dư giảm so với đầu năm.
Trong năm 2023, 3 tháng đầu năm 2024 toàn huyện Hàm Tân có trên 3.800 lượt khách vay vốn với gần 146 tỉ đồng, doanh số cho vay đạt cao nhất so với những năm trở lại đây.
Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ quý II và những tháng còn lại của năm 2024, các thành viên Ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác thu hồi nợ khó đòi. Phát huy hơn nữa vai trò quản lý tín dụng chính sách của trưởng thôn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội cấp huyện, cấp xã và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn… Chủ trì tại cuộc họp Ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện Hàm Tân mới đây, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH huyện đã yêu cầu các phòng ban liên quan, các tổ chức chính trị xã hội, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn có nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. NHCSXH huyện tăng cường phối hợp với UBND, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã hội đến người dân, chủ động đón vốn thu hồi để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
UBND các xã, thị trấn chủ động nắm bắt thông tin và phối hợp xử lý các trường hợp bị rủi ro; chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ trước hạn đối với hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú, bỏ đi làm ăn xa không sản xuất kinh doanh tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ với NHCSXH nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, bình xét đối tượng vay vốn công khai, minh bạch…