Ông cha ta từng căn dặn “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con”, hay “Một kho vàng không bằng một nang sách” đủ để thấy sự trân trọng, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Vì thế, các thầy cô Trường THPT Lương Thế Vinh (Hàm Thuận Nam) đang tạo mọi không gian, môi trường đọc, học cùng nhau để các em chia sẻ, hình thành và phát triển văn hóa đọc…
Kéo học sinh đến gần với sách
Đọc sách là con đường gom góp, tích lũy nâng cao vốn tri thức hiểu biết, đó cũng là cách tốt nhất để tiếp nhận kinh nghiệm xã hội và kinh nghiệm sống. Đọc sách còn là sự chuẩn bị hành trang để tiến hành cuộc rèn luyện lâu dài trên đường học vấn. Thế nhưng trong bối cảnh xã hội hiện nay, sự phát triển của phương tiện truyền thông khiến học sinh dễ dàng tiếp cận với những điều mới mẻ, yêu thích những thứ mang tính giải trí cao hơn, từ đó đọc sách dần trở nên nhàm chán.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Diễm – giáo viên ngữ văn, chủ nhiệm Câu lạc bộ đọc sách cho biết: Khi vào trường, các em đều ở ngưỡng tuổi 15 – 16, lứa tuổi đã dần hình thành tính cách và rất khó để thay đổi thói quen, đặc biệt là đọc sách. Vì thế, để đào sâu sự tò mò khám phá trong lòng các em, tôi phải bắt đầu từ việc dẫn dắt, giới thiệu, tìm hiểu tâm lý, kèm theo khơi gợi sự quan tâm của học sinh về những quyển sách đang có trên thư viện nhà trường, sách hay về kỹ năng sống… Tôi luôn nhắc các em hãy bắt đầu từ những cuốn sách mà mình yêu thích và phải đọc cho kỹ, ghi lại cảm nghĩ để biến nội dung của sách thành đời sống thực tiễn.
Từ năm 2023, Trường THPT Lương Thế Vinh thành lập được Câu lạc bộ đọc sách với 115 học sinh. Sau đó, câu lạc bộ chia thành nhóm nhỏ tại các lớp do giáo viên bộ môn ngữ văn phụ trách để các thành viên thuận tiện sinh hoạt. Nhằm tăng cường sự kết nối, giao lưu, chia sẻ những cuốn sách hay, câu lạc bộ thường tổ chức cuộc thi viết, thực hiện clip cảm nhận về một quyển sách, vẽ sơ đồ tư duy tóm tắt sách… Ngoài ra, tại mỗi lớp đều có tủ sách nhỏ để các em thuận tiện đọc ở mọi lúc, mọi thời gian trống. Đã không ít lần, thầy cô phụ trách ngạc nhiên bởi học trò mạnh dạn giới thiệu về một tác phẩm mới trong vốn hiểu biết hạn hẹp của mình, mạnh dạn đề xuất hay viết tiếp phần kết cho các câu chuyện. Sau khi nghe và tìm đọc, các cô vỡ òa khi các em thực sự hiểu và đang dần thay đổi bản thân.
Sách và hành động
Trong vai trò là những người thầy gợi mở kiến thức, hướng dẫn học sinh tìm kiếm và khai thác tốt tài liệu, giáo viên ở Trường THPT Lương Thế Vinh luôn khuyến khích học sinh tìm đến kho sách thư viện trường. Dù đến nay nhà trường chưa có nhân viên thư viện, nhưng thầy cô phụ trách cùng câu lạc bộ đọc sách sẵn sàng hỗ trợ các bạn khi có nhu cầu. Đồng thời từ nguồn ủng hộ hàng năm từ học sinh, các nhà hảo tâm và giáo viên, nguồn sách tại trường lại phong phú hơn, hiện có hơn 6.000 đầu sách các loại.
Cô Đinh Thị Hà – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: Không phải ai cũng có niềm đam mê sách ngay từ nhỏ, vì vậy để khuyến khích các em đọc sách, nhiều thầy cô đã chọn sách làm món phần thưởng, quà tặng cho học sinh. Những buổi ngoại khóa về văn hóa đọc, từ trang sách đến sân khấu hóa được thực hiện thường xuyên. Nhờ vậy 900 học sinh toàn trường đều có ý thức vươn lên, không ngừng cố gắng trong học tập.
Em Nguyễn Huỳnh Kim Ngân chia sẻ: Sách đã lấp đầy chính con người em, lấp đầy những lỗ hổng và khiếm khuyết của mỗi chúng ta để ta phát triển tốt hơn mỗi ngày. Còn em Hồ Tiến Phát cho rằng: Sách không chỉ là cầu nối giữa con người với tri thức mà còn kết nối con người với con người. Hành trình đọc sách của chúng ta sẽ bớt đi sự thú vị nếu chưa thể lan tỏa văn hóa đọc đến những người bạn xung quanh.
Bằng tình cảm và những việc làm thiết thực, các thầy cô Trường THPT Lương Thế Vinh vẫn đang từng ngày gieo mầm tình yêu sách, nỗ lực, bền bỉ để sách là sợi dây kết nối các thế hệ, để văn hóa đọc là một phần cuộc sống của học sinh. Từ đó giúp các em tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, góp phần xây dựng xã hội học tập.