Đây là nội dung văn bản triển khai mới đây của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đến các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương trong tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, cùng phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực đổi mới, phát huy tối đa các cơ hội, tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, quyết tâm vượt khó, thích ứng linh hoạt. Qua đó nhằm phát huy tối đa tiềm năng đất đai trên địa bàn và các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng sinh thái, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Song song, UBND tỉnh đề nghị việc nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cải tạo, bồi bổ làm tăng độ màu mỡ của đất đai nghèo dinh dưỡng, sản xuất khó khăn để tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững; gắn chặt thị trường tiêu thụ để định hướng tổ chức sản xuất, tiếp tục phát triển thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có tiềm năng. Phát triển các sản phẩm cây trồng có lợi thế năng suất, chất lượng cao, mở rộng liên kết vùng; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cấp mã số vùng trồng, giúp nông dân chuyển đổi tư duy từ “sản xuất” sang “kinh tế”. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản, sản phẩm gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp…
Theo nội dung Công văn số 381/VPCP-NN được biết, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 (lần thứ 5) với chủ đề: “Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững”, đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững.