Không bảng đen phấn trắng, không quá nhiều những lời thuyết giảng, cũng chẳng cần phải di chuyển xa, nhưng bài học, hình ảnh về di sản, nét đẹp văn hóa của các dân tộc trong tỉnh và danh thắng quê hương lại khiến học sinh và cả giáo viên Trường tiểu học Bình Hưng (TP. Phan Thiết) thích thú. Một cuộc “dạo chơi” mà học qua triển lãm tranh ngay dưới sân trường như mở ra cánh cửa mời gọi các bạn nhỏ bước vào tìm hiểu lịch sử và các kho tàng văn hóa mà cha ông để lại.
“Đây là di tích tháp Pô Sah Inư”, “Lễ hội Katê của dân tộc Chăm kìa”, “Còn đây là Tháp nước Phan Thiết”… những lời hội thoại của học sinh trao đổi qua lại khi xem tranh với vẻ mặt rất hào hứng, tò mò. Bởi có em đã được tham dự lễ hội, có em chưa từng đến. Dẫu chỉ là nhìn ngắm qua tranh, nhưng 48 bức vẽ về các danh thắng, di sản, phong tục tập quán của các dân tộc trong tỉnh bằng nhiều chất liệu khác nhau do học sinh các trường vẽ đã mang đến những góc nhìn mới, tình cảm của trẻ thơ về văn hóa dân tộc.
Em Lê Trương Phúc Khang – lớp 5D chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em được xem các bức tranh về di sản, điều này rất bổ ích, giúp các em biết thêm nhiều địa danh và trang bị kiến thức phong phú, sinh động về di sản văn hóa.
Đang hướng dẫn học sinh xem tranh, thầy Võ Đức Long – giáo viên Trường tiểu học Bình Hưng thông tin thêm: Hoạt động ngoại khóa đưa học sinh đi tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng, danh thắng là nội dung được Trường tiểu học Bình Hưng quan tâm trong nhiều năm nay. Sau khi tìm hiểu, nhà trường còn tổ chức các cuộc thi vẽ để ghi lại cảm nhận của các em. Có thêm những buổi triển lãm tranh đạt chất lượng như thế này chắc chắn sẽ góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục về lịch sử trong nhà trường, giúp những bài học lịch sử trở nên mềm mại, dễ thấm hơn. Qua đó khơi dậy trong các em tình yêu di sản văn hóa của quê hương, đất nước.
Giáo dục di sản là một trong những giải pháp quan trọng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bổ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại các nhà trường. Vì thế đưa tranh đạt giải do học sinh vẽ về di sản tới các trường học được Bảo tàng tỉnh thực hiện từ năm 2021 đến nay luôn được giáo viên và học sinh đón nhận tích cực.
Bà Lư Thái Tuyên – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh đánh giá: Để phổ cập cho trẻ yêu và ham thích cũng như nhớ lịch sử, không gì hơn bằng cách tiếp cận qua tranh vẽ, từ các khuôn hình và màu sắc sống động. Ngoài tổ chức trưng bày cố định tại Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh, hiện đơn vị đang tiếp tục phát động hội thi sáng tác tranh chủ đề “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương” năm 2024. Hội thi được triển khai rộng rãi đến các đối tượng học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở trên toàn tỉnh, gồm tranh cá nhân (1 học sinh vẽ) hoặc tập thể (nhiều học sinh vẽ). Nội dung tranh về các chủ đề như di tích lịch sử – văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh; các lễ nghi, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội, phong tục tập quán, nhà ở truyền thống… của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Các em tự chọn vật liệu (giấy, vải, gỗ, đá, cát, hạt đậu, gạo, vỏ ốc…) và các dụng cụ màu (chì màu, sáp, bột nước, sơn dầu, cát màu…) để tạo nên tác phẩm. Mỗi học sinh có thể gửi nhiều tranh dự thi, đến hết ngày 30/8/2024.
Đồng thời, Bảo tàng tỉnh mong rằng các trường học sẽ xây dựng thêm những buổi học ngoại khóa cho học sinh được đi tham quan, học tập tại Nhà Trưng bày Bảo tàng tỉnh, Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm, di tích tháp Pô Sah Inư, Khu căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ… để khích lệ các em chủ động khám phá, tìm hiểu thông tin, từ đó ngấm sâu các bài học về di sản một cách tự nhiên.