Hiện nay nhiều doanh nghiệp, hộ cá nhân vướng vào nợ xấu, nhẹ thì nhóm 2 nặng thì nhóm 5. Nếu đã bị nợ xấu trên hệ thống CIC thì rất khó để vay vốn ngân hàng…
Thẻ tín dụng: 2 mặt
Thẻ tín dụng có lợi không? Trên thực tế thẻ tín dụng rất tiện lợi và hữu ích nếu người dùng hiểu rõ quy tắc của thẻ tín dụng do từng ngân hàng phát hành. Trên thế giới hầu hết các nước tiên tiến đa phần người dân đều sử dụng thẻ tín dụng vì những lợi ích của thẻ mang lại. Sử dụng thẻ tín dụng ví như bạn đi vay ngân hàng với hạn mức nhất định từ vài chục triệu đồng cho đến tiền tỷ, tùy năng lực tài chính của người dùng chứng minh với ngân hàng khi đăng ký làm thẻ. Thẻ tín dụng có tính lợi thế là lúc nào người dùng cũng có thể thanh toán dễ dàng vì nguồn tiền có sẵn trong thẻ. Người dùng thẻ có thể rút tiền mặt để sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Tuy nhiên, người dùng thẻ tín dụng cần cẩn trọng bởi “kính thưa” các loại phí và lãi suất. Theo quan sát của phóng viên, với các ngân hàng có yếu tố nhà nước khi phát hành thẻ đều tuân thủ nguyên tắc tính phí, lãi suất theo quy định và thấp hơn so với các ngân hàng cổ phần tư nhân. Với thẻ tín dụng có rất nhiều khoản phí người dùng thẻ phải chịu như: Phí thường niên, phí rút tiền, phí chậm thanh toán, phí chuyển đổi trả góp giao dịch rút tiền mặt… Nếu tính sơ sơ phải mất trên 10 loại phí khi dùng các dịch vụ của thẻ. Vì vậy, nếu người dùng thẻ khi sử dụng chậm trả lại tiền trong thẻ và không đóng phí sẽ rơi vào nợ xấu. Ngoài ra, việc làm thẻ phải quán xuyến dòng tiền trong thẻ, không vì những lý do “quên” nghĩa vụ để nợ xấu và sẽ không vay được ngân hàng.
Năm, bảy đường nợ xấu…
Bên cạnh nợ xấu từ thẻ tín dụng, nhiều doanh nghiệp, cá nhân hiện nay dính vào nợ xấu ngân hàng với rất nhiều lý do khác nhau. Trường hợp của anh A. ở Phan Thiết là doanh nghiệp vận tải hành khách. Năm 2019, doanh nghiệp của A. có trên 15 đầu xe từ 16 chỗ đến 45 chỗ ngồi, nguồn vốn chủ yếu vay từ ngân hàng, chủ yếu hoạt động chở khách du lịch trong nước. Anh A. tâm sự, thời điểm kinh doanh hiệu quả mỗi ngày doanh nghiệp lãi ròng 200 triệu đồng là bình thường, cá biệt có ngày 400 triệu đồng nhưng 3 năm bị dịch Covid – 19, dàn xe đứng bánh. Năm đầu tiên khi dịch xảy ra, doanh nghiệp cố gồng trả lương tài xế, trả lãi ngân hàng nhưng đến giữa năm thứ 2 thì bao nhiêu nguồn tích lũy lợi nhuận trước đây đã chi tiêu hết nên bắt đầu hết nguồn trả lãi ngân hàng. Từ đây, dù ngân hàng đã giảm lãi suất, khoanh vùng nợ nhưng doanh nghiệp của anh A. đuối dần. Xe thì lúc mua vài tỷ đồng/chiếc nhưng khi rao bán chỉ một nửa giá vẫn không có người mua. Chật vật kiếm nguồn trả lãi ngân hàng nhưng rồi doanh nghiệp vẫn rơi vào nợ xấu. Mới đây, sau khi thị trường du lịch khôi phục, doanh nghiệp làm ăn ổn, anh muốn vay thêm vốn ngân hàng nhưng bị từ chối vì CIC báo nợ xấu…
Với anh Trần Thịnh ở Phú Thủy, 2 năm trước anh kinh doanh bất động sản khá thành công, nguồn vốn hoạt động chủ yếu từ ngân hàng. Tuy nhiên từ cuối năm 2022, khi bong bóng bất động sản vỡ, anh âm nợ ngân hàng, còn số đất nền ở khu vực vùng ven Phan Thiết không bán được nên không có nguồn trả đủ lãi cho ngân hàng, đành phải chịu nợ xấu. Anh Thịnh buồn, kể: “Tôi ước bán được lô đất để giải quyết nợ cho ngân hàng và khoản vay bên ngoài nhưng gần 2 năm nay rao hoài vẫn không ai hỏi mua. Áp lực tiền trả ngân hàng, nợ bên ngoài khiến tinh thần tôi kiệt quệ…”.
Một trưởng phòng tín dụng ngân hàng cho hay, hiện các ngân hàng rất cần khách hàng “sạch”, không có nợ xấu. Tuy cần, nhưng các ngân hàng cũng rất thận trọng cho vay bởi người vay phải có phương án trả nợ. Nguyên nhân là hầu hết các ngân hàng còn tồn nợ xấu cao, nhất là mảng bất động sản. Theo ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Bình Thuận, trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của khách hàng vay. Hạn chế, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh mới. Đến cuối tháng 3/2024, nợ xấu nội bảng trên địa bàn là 2.523,6 tỷ đồng, chiếm 2,88% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,64% so với đầu năm…
Nợ xấu là điều không ai muốn. Nhưng trong làm ăn đôi lúc gặp khó khăn với lý do khách quan hoặc chủ quan, người vay cần phối hợp với ngân hàng để có phương án giải quyết tốt nhất. Với trường hợp sử dụng thẻ tín dụng, người dùng cần “thông thái” khi sử dụng nguồn tiền đúng mục đích và tuân thủ theo quy định của ngân hàng phát hành thẻ, tránh bị nợ xấu…”oan”.