Sau ngày giải phóng miền Nam 1975, rất nhiều địa danh mới được ra đời trong cả nước. Có thể kể ra đây hàng loạt những tên tỉnh từ Bắc đến Nam như Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Sông Bé, Hậu Giang… Nó là gộp lại của hai hoặc ba tỉnh cũ.
Thuận Hải cũng không ngoại lệ. Ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy về chung một nhà mang tên mới Thuận Hải. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp nơi này thuộc Liên Khu Năm. Sang kháng chiến chống đế quốc Mỹ lại thuộc về Khu Sáu. Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của Thuận Hải lúc ấy hầu hết là người từ chiến khu ra. Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Hiền, Phó Bí thư Trần Đệ, Chủ tịch UBND tỉnh là ông Trần Ngọc Trác. Trong “bộ ba” ấy chỉ có ông Trần Ngọc Trác là người địa phương “thứ thiệt” – quê Tuy Phong, Bình Thuận – một vùng đất nắng gió nổi tiếng (đến tận bây giờ) là “khô, khó, khổ” của cả nước.
Ông Trần Ngọc Trác có một tuổi thơ không mấy êm đềm nếu như không muốn nói là quá nhiều bất hạnh. Ông sinh năm 1924 ở quê mẹ La Gàn, Bình Thạnh. Cha của ông từ Long Hương xã bên sang đây lấy vợ và ở rể. 14 tuổi mẹ mất đột ngột khi mới ngoài ba mươi. Từ một cậu bé được mẹ hết sức nuông chiều nay ông phải làm nhiều việc để kiếm sống và nuôi ông bà ngoại già yếu như bán kẹo ú, bánh cam và kéo lưới thuê. Cha của ông sau khi vợ mất đã về lại Long Hương lấy vợ, sinh con. Rồi liên tiếp đến bà ngoại, ông ngoại qua đời. Ba cái tang chỉ trong vòng bốn năm ập lên đầu một cậu bé. Không còn người thân thích, năm 18 tuổi ông đành về với cha bên Long Hương. Về với cha nhưng không được quên mẹ – ông tự nhủ trong lòng như vậy – và đã cho khắc lên cánh tay ngày mẹ mất (7/2) để mỗi khi xăn tay áo lên là thấy. Ngày mất mẹ đã theo ông đến hết cuộc đời. Sau này, có người ác ý gọi ông là nhà cách mạng xăm mình. Họ đâu hiểu ông.
Ở Long Hương gia đình muốn ông lấy vợ để có người đỡ đần việc nhà nhưng ông không chịu. Người vợ sau của cha ông làm nghề bà mụ (bà đỡ) nên trong nhà thường có người đến sinh. Ngoài việc phụ cha làm thợ cắt tóc, ông còn có một việc khác là gánh nước cho mấy bà đẻ tắm giặt. Ông chấp nhận hết. Ngày ấy ở Long Hương, nhà nào khá giả mới có điều kiện xây hồ (bể) chứa nước mưa dùng quanh năm. Còn không thì phải đi lấy từ khá xa. Người Long Hương thường qua Bình Thạnh gánh nước. Đa phần trong số này là đàn bà con gái. Còn thanh niên 17, 18 tuổi như ông thì rất hiếm gặp. Nhưng ông lại nghĩ khác. Đi gánh nước để được về La Gàn, gần nhà cũ của mẹ, của ông bà ngoại, được sống lại những năm tháng tuổi thơ êm đềm, được gặp bạn bè cùng trang lứa. Đi gánh nước để được đứng trên dốc cao nhìn bao quát toàn bộ La Gàn. Từ chùa Cổ Thạch, bãi đá bảy màu, đến đầu gành, nơi mùa bấc có đàn sếu bay về trắng bãi…
Rồi phong trào cách mạng ở Tuy Phong đã lôi cuốn ông. Từ một người yêu nước, ông tập hợp các bạn thanh niên diễn các vở kịch như Võ Tánh thiêu mình, Cổ Loa thành (kịch thơ), Trưng Vương, Bóng người núi Lam (cải lương)… do ông vừa làm đạo diễn, vừa làm diễn viên để lấy tiền giúp đỡ đồng bào miền Bắc bị đói và giúp đỡ tổ chức truyền bá quốc ngữ. Cũng chính ông đã từng cầm đơn vào tỉnh đường Bình Thuận kiện tên tri huyện Tuy Phong.
Có thể nói, cách mạng về Tuy Phong với ông như cá gặp nước. Ông hăng say hoạt động. Năm 1946 ông được kết nạp Đảng (ở Bình Thạnh, quê mẹ). Năm 1947 ông chính thức thoát ly khỏi địa phương, vào Phan Thiết hoạt động với căn cước mang tên Ba Phước – thợ đánh véc-ni. Khi bị lộ, ông ra khu căn cứ ở Ba Hòn tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Phan Thiết với cương vị Chủ nhiệm Việt Minh, Bí thư Thị ủy.
Năm 1947 cũng là năm ông có bài thơ tình khá nổi tiếng – Chia ly (in trong tập thơ Gió biển hương ngàn của ông sau này).
Sợ lạc môi tìm môi chẳng dứt
Mịn màng thấm mặn giọt chia ly
Trái đất quay vòng chầm chậm lại
Sáng rồi! Vài phút nữa anh đi.
Em! Đâu chỉ riêng mình mất mát
Nước non đầy tang tóc đau thương
Trong sâu thẳm sao mờ bóng dáng
Em! Quê hương lặng lẽ soi đường.
Nhưng có lẽ chiến tranh đã không cho ông trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp (?)
Năm 1949 tổ chức lại điều ông lên Đồng Nai Thượng, làm Chủ nhiệm Việt Minh rồi làm Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh. Năm 1955 ông tham gia Hội đồng tập kết Liên Khu Năm ở Bình Định.
10 năm ở miền Bắc, ông công tác trong ngành giáo dục. Từ Ban Giám hiệu Trường Bổ túc công nông Trung ương đến Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa công nông Đông Triều, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Giáo dục. Ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1964, ông trở lại chiến trường miền Nam. Ở Khu Sáu, ông đã kinh qua các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Đức, Bí thư Thị ủy Đà Lạt, Khu ủy viên, Chánh văn phòng Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Đà Lạt. Giải phóng rồi, ông không hề nghĩ sẽ ở lại Đà Lạt, Lâm Đồng – nơi ông đã gắn bó suốt hai cuộc kháng chiến mà về quê hương. Ngày nào ông từ biển lên rừng. Bây giờ thì ngược lại – từ rừng xuống biển.
Về quê, ông sang Bình Thạnh, La Gàn, lội bộ qua những cánh rừng còi, những trảng cát trắng đầy gai xương rồng, gai lưỡi long. Đi cùng ông là cha. Cuối cùng ông cũng đến được mộ mẹ sau gần ba mươi năm xa cách. Cha của ông nói trong ân hận: Có lẽ mẹ con giận ba nên không cho ba thấy mộ. Còn ông đứng im, xúc động không nói nên lời. Không biết lúc ấy ông nghĩ gì… Đến đây có lẽ nhiều người sẽ hiểu vì sao trong lý lịch của ông và cả các con ông sau này đều ghi quê quán Bình Thạnh.
Khi tỉnh Thuận Hải được thành lập, ông làm Chủ tịch UBND tỉnh liên tục hai nhiệm kỳ, đại biểu Quốc hội 2 khóa VI và VII. Quãng thời gian ấy có lẽ nhiều người cũng biết. Xin không kể ra đây. Nhưng có một chuyện cần được thông tin để mọi người hiểu thêm về ông. Đó là vào đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, tổ chức muốn đưa ông ra Hà Nội làm người đứng đầu một cơ quan nhà nước nhưng ông từ chối, với lý do tuổi ông cũng đã cao, ông muốn ở lại xây dựng quê hương. Trong thâm tâm, ông không muốn xa quê một lần nữa.
Năm 1988 ông chính thức nghỉ hưu. Về với đời thường, ông quay về viết lách, văn chương, vào nhóm Bông vông xướng họa thơ phú với nhóm bạn già. Nhưng dấu ấn sâu đậm nhất ở thời gian này là việc ông tham gia vào công trình Địa chí tỉnh Bình Thuận với cương vị là đồng chủ biên (cùng với Tô Quyên và Phan Minh Đạo), ông làm việc bằng tất cả sự hiểu biết và trách nhiệm với quê hương.
Đến năm 1992 ông mới cho ra mắt tập thơ đầu tay – cũng là tập thơ duy nhất của ông – Gió biển hương ngàn. Nhà thơ Phan Minh Đạo đã đánh giá: “Thơ Thu Lâm sôi nổi, dạt dào hương ngàn gió biển, tình đồng chí, tình người, tình quê hương đất nước”.
Xin được nói thêm về bút danh Thu Lâm. Tên gọi Thu Lâm được ông dùng sau khi dời Phan Thiết lên Đồng Nai Thượng và suốt những năm sau này. Một người con của biển, từ đây gắn bó liên tục với miền sơn cước. Vì thế, nhiều người cũng chỉ biết tên ông là Thu Lâm. Thu Lâm ở Đồng Nai Thượng. Thu Lâm ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Thầy Thu Lâm ở Trường Bổ túc văn hóa Công nông. Hai chữ Thu Lâm, theo ông ngoài nghĩa là rừng mùa thu còn mang ý nghĩa khác: đi làm cách mạng Thú Lắm.
Chắc ở một nơi nào xa lắm, nhà thơ Thu Lâm lại đang nhìn chúng ta và cười sảng khoái.