Dự hội thảo, có ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận; bà Nguyễn Thị Thuận Bích – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng các Giáo sư, Tiến sĩ các tỉnh, thành trong nước về dự.
Hội thảo xác định sự cần thiết sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đây là vấn đề khá quan trọng trong việc vận hành phát triển kinh tế trong khối doanh nghiệp nhà nước. Tham dự hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những đóng góp về quá trình xây dựng và quan điểm sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Sự cần thiết sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước hiện nay trong sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước và những bài học trong sự vận hành sử dụng vốn Nhà nước trong doanh nghiệp.
Đồng thời, các đại biểu tham dự hội thảo cũng nêu rõ thực trạng và những kiến nghị sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật này trong việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của việc sử dụng vốn và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Kinh nghiệm của một số quốc gia Đông Nam Á trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh…
Ông Leif Dustin Schneider – Phó Chủ tịch Tiểu ban pháp luật, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, xác định tầm quan trọng của vốn Nhà nước, trong đó các yếu tố mang lại thành công chính là quản lý và kiểm soát để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước.
Ông Leif Dustin Schneider, khẳng định việc sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp thương mại có thể mang lại những lợi ích nhất định trong việc kiểm soát đầu tư chiến lược, tăng cường sự ổn định của thị trường, thúc đẩy lợi ích công cộng. Điều đó cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, kém hiệu quả bởi sự quan liêu nếu trì hoãn hoặc thiếu đổi mới sáng tạo, can thiệp chính trị quá mức dẫn đến bóp méo cạnh tranh thị trường công bằng. Khi sửa đổi “Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”, Việt Nam có thể tối đa hóa lợi ích và hạn chế những cạm bẫy của sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp thương mại bằng cách thực hiện cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch. Quản lý và giám sát chặt chẽ bên cạnh tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị và cơ cấu. Bằng cách này, các doanh nghiệp nhà nước có thể nâng cao hiệu quả của mình, cuối cùng mang lại giá trị cho các bên liên quan và đóng góp vào sự phát triển bền vững liên tục của đất nước.
Phát biểu tại hội thảo, bà Bùi Thị Hồng Thủy – Phó giám đốc Sở Tài chính, cho hay: tại Bình Thuận có 4 công ty TNHH 100% vốn Nhà nước và 2 công ty cổ phần có vốn Nhà nước. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan chuyên môn UBND tỉnh thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn theo đúng các quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp…Qua đó, đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; cơ chế quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước…
Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận cho rằng, hiện nay một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Quá trình triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế bất cập liên quan đến các vấn đề như: Việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định; Phương thức chuyển nhượng vốn đầu tư, phân phối lợi nhuận sau thuế, bảo tồn và phát triển vốn của doanh nghiệp; các phương thức chuyển giao, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; việc quản lý sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn; quyền hạn, trách nhiệm, phương thức quản lý người và nhóm người địa diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu và công tác giám sát; quản lý của doanh nghiệp nhà nước đối với công ty con do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Phía tỉnh Bình Thuận đề nghị, các cơ quan chủ trì soạn thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu kế thừa, phát huy những quy định còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực của Luật hiện hành. Theo đó, tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp. Quy định, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, lĩnh vực, nguyên tắc, hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cân nhắc giao quyền chủ động cho doanh nghiệp nhà nước quản lý hoạt động của doanh nghiệp mà mình góp vốn. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư vốn nhà nước phải thực hiện theo các nguyên tắc thị trường. Theo đó, phải đánh giá dựa trên giá trị gia tăng của vốn đầu tư và cổ tức, lợi nhuận được chia hàng năm – hiệu quả đầu tư vốn của cổ đông nhà nước.
Các đại biểu cũng cho rằng quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện quyền của chủ sở hữu do Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập, hoặc được giao quản lý, cần được rà soát điều chỉnh cho phù hợp đảm bảo phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, bao gồm cả các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, giảm các công việc sự vụ phải xem xét, quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn phân cấp, xác định rõ quyền, trách nhiệm và không làm hạn chế quyền của doanh nghiệp để tăng tính tự chủ cho Hội đồng thành viên, Ban điều hành doanh nghiệp có vốn nhà nước, qua đó hạn chế việc các cơ quan quản lý nhà nước làm thay cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và làm thay doanh nghiệp./.