BTO-Ngày 29/3, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với một số sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức cho cơ quan báo chí địa phương và thường trú tại Bình Thuận đi thực tế tình hình khô hạn trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và khu vực triển khai Dự án Hồ chứa nước Ka Pét.
Ông Nguyễn Lê Thành – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm trưởng đoàn, cùng sự tham gia của các thành viên tổ công tác, đại diện lãnh đạo UBND huyện Hàm Thuận Nam, lãnh đạo xã Mỹ Thạnh và các cơ quan, phóng viên báo chí trên địa bàn tỉnh.
Tại chuyến đi thực tế, đoàn đã trao tặng 25 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng) cho 25 hộ gia đình nằm trong vùng dự án tại xã Mỹ Thạnh. Đồng thời, đoàn đã đi thực tế khu vực sản xuất nông nghiệp, khu vực dự án Hồ chứa nước Ka Pét và gặp gỡ người dân tại khu vực làm dự án.
Qua đó, để các cơ quan báo chí, phóng viên phản ánh về những khó khăn do thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp của người dân vùng triển khai dự án. Đồng thời, nắm bắt, phản ánh về công tác triển khai dự án Hồ chứa nước Ka Pét trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai dự án.
Được biết, Dự án Hồ chứa nước Ka Pét có quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích 47,41 triệu m3, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác… Tổng mức đầu tư của dự án là 874,089 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.
Mục tiêu của Dự án nhằm cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua TP. Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.
Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (chủ đầu tư), hiện tại dự án vẫn còn một số khó khăn như việc di dời Dinh Cậu trong phạm vi vùng ngập lòng hồ; việc bố trí đất sản xuất cho 5 hộ dân có đất sản xuất nằm trong lòng hồ khoảng 5,1 ha (các hộ này khi thu hồi đất làm công trình hồ chứa nước Ka Pét thì không còn đất sản xuất). Mặt khác, phải tổ chức rà soát lại diện tích đất để tổ chức trồng rừng thay thế theo quy định…
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, sẽ tập trung chỉ đạo Ban QLDA và các đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định trước ngày 30/4/2024; Ban QLDA và các đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày 20/4/2024. UBND giao Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương…
Mặt khác, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ địa phương trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đánh giá tác động môi trường để sớm đủ điều kiện phê duyệt dự án và triển khai các bước tiếp theo.