Đến nay, Hàm Thuận Nam đã xây dựng và vận hành 3 hội cộng đồng ngư dân tham gia cùng Nhà nước trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ một vài hộ dân đăng ký ban đầu, đến nay đã kết nạp được 288 hộ/814 người, tự huy động đóng góp được 210,2 triệu đồng để xây dựng nguồn quỹ duy trì sinh hoạt và tổ chức các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
Đồng lòng
Hàm Thuận Nam với chiều dài đường bờ biển khoảng 23,5 km, chạy dọc 3 xã Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận. Thiên nhiên đã ưu đãi cho huyện môi trường tự nhiên thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển một nguồn lợi thủy sản quý, có giá trị kinh tế cao, tạo ra sinh kế, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình. Toàn huyện hiện có 128 chiếc tàu cá và 514 chiếc thúng hoạt động nghề cá nhỏ lẻ, thủ công ven bờ, với khoảng 1.000 ngư dân trực tiếp khai thác hải sản. Tuy nhiên do tình hình khai thác quá mức của ngư dân đã làm cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng, cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn hơn.
Từ năm 2015, dự án “Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam” chính thức được Hội Nghề cá tỉnh xây dựng và được Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP/GEF SGP) tài trợ kinh phí thực hiện.
Đây là mô hình rất mới mẻ, lần đầu tiên được áp dụng tại tỉnh Bình Thuận, trong vùng biển mở… Đến năm 2018 UNDP/GEF SGP tiếp tục tài trợ thực hiện nhân rộng cho 2 xã Tân Thành và Tân Thuận qua dự án “Thúc đẩy trao quyền và xây dựng năng lực cho cộng đồng trong quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại huyện Hàm Thuận Nam”. Kết quả, đã huy động và phát huy được vai trò tham gia của người dân, chính quyền và các đoàn thể tại cơ sở tham gia sâu rộng vào công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ông Lê Văn Dưỡng – Chủ tịch Hội cộng đồng ngư dân xã Tân Thành chia sẻ: Các thành viên hội đã phân công ca trực, theo dõi tình hình thực tế trên biển và báo cáo kịp thời những sự việc phát sinh trên vùng biển được giao quyền quản lý cho các lực lượng chức năng như Chi cục Thủy sản, Đồn Biên phòng. Năm 2023, Hội được chương trình Dự án quỹ Thiện Tâm hỗ trợ 6 cụm chà tại các vị trí ranh giới vùng biển quản lý tạo môi trường thuận lợi cho các loài về sinh sống và phát triển. Kết quả, các loài hải sản về tập trung nhiều hơn những năm trước. Hội cũng cam kết cho từng thành viên không vi phạm quy định của pháp luật. Đến nay bà con đã thay đổi suy nghĩ, nhận thức một cách rõ nét…
Hỗ trợ phát triển đồng quản lý
Còn theo ông Trần Văn Lanh – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Nam, hiện nay UBND huyện đã công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các Hội cộng đồng ngư dân với diện tích vùng biển 43,4 km2.
Trong đó Hội cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý đã thả được 112,4 tấn sò lông con để phục hồi nguồn lợi. Các Hội cộng đồng đã thực hiện thả 64 cụm rạn nhân tạo để đánh dấu vùng biển thực hiện đồng quản lý, ngăn chặn hoạt động của các nghề cấm nhất là lưới kéo, tạo nơi sinh sống, sinh sản cho nguồn lợi thủy sản, làm cơ sở để triển khai xây dựng các mô hình sinh kế cho ngư dân. Dự án đã xây dựng và vận hành đươc 3 Quỹ vay vốn sinh kế với tổng vốn ban đầu đạt 440 triệu đồng và triển khai cho hơn 150 lượt vay để triển khai đầu tư các hoạt động nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ nhỏ lẻ.
Tuy vậy cũng cần nhìn nhận những khó khăn và vướng mắc hiện nay là tổ chức cộng đồng chưa có cơ chế tài chính, chính sách để hỗ trợ các tổ chức cộng đồng để đảm bảo duy trì hoạt động ổn định. Việc phân quyền chưa rõ ràng nên chưa khuyến khích được ngư dân tham gia sâu rộng, mạnh mẽ. Phương tiện tuần tra, khảo sát trên biển không có, chủ yếu lồng ghép theo các hoạt động sản xuất của thành viên nên không chủ động, rất khó xử lý khi có vi phạm xảy ra…
Do đó, nhằm tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển các Hội cộng đồng ngư dân, phát huy tốt hơn nữa vai trò tham gia của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, địa phương mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Triển khai mở rộng hoạt động thả rạn nhân tạo nhằm mục đích đánh dấu, ngăn chặn lưới kéo, tạo nơi sinh sống cho nguồn lợi, từ đó phát triển các loại hình du lịch biển. Từ đó, không ngừng phát huy đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển địa phương.
Cũng tại hội thảo “Xây dựng mô hình, dự án khuyến ngư trên vùng biển trao quyền đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển Hàm Thuận Nam” mới đây, ông Lại Duy Phương – Viện Nghiên cứu hải sản đã cho biết, dựa trên một số tiêu chí phù hợp về quy mô, điều kiện tự nhiên… đã đề xuất một số mô hình khuyến ngư phù hợp trong vùng biển trao quyền đồng quản lý thuộc huyện Hàm Thuận Nam thời gian tới như mô hình nuôi quảng canh sò lông tại vùng biển xã Thuận Quý; mô hình nuôi quảng canh vẹm xanh tại vùng biển mũi Hòn Lan (xã Tân Thành); mô hình nuôi quảng canh hàu Thái Bình Dương.