BTO-Chiều 20/3, Sở Nông nghiệp và PTNT, Phân viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản phía Nam đồng chủ trì, tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển nuôi biển bền vững tại Bình Thuận”.
Dự hội thảo có Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Chiến, lãnh đạo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, lãnh đạo Viện công nghệ nuôi trồng thủy sản, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các Hiệp hội liên quan, đại diện các địa phương có biển trong tỉnh cùng các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản trên biển tại các khu vực trong tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đang phối hợp Đơn vị tư vấn (Liên Danh: Phân viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản phía Nam – Viện Kỹ thuật Biển) lập Đề án “Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tuy nhiên, thời gian qua Bình Thuận chịu nhiều tác động của sóng gió, thiên tai nên việc thực hiện đề án còn nhiều khó khăn. Do đó, thông qua hội thảo này, nhằm tham vấn ý kiến các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng góp phần hoàn thiện nội dung đề án. Qua đó, nhằm hướng đến phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, khai thác lợi thế tiềm năng mặt nước. Đồng thời, tổ chức sản xuất nghề nuôi hướng bền vững gia tăng giá trị.
Tại hội thảo, các đại biểu nghe nhiều tham luận phân tích sâu về điều kiện thủy hải văn, môi trường biển phục vụ nuôi biển tại Bình Thuận; Thực trạng và giải pháp phát triển nuôi biển bền vững.
Ngoài ra, PGS – TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam còn chia sẻ về tiềm năng và tầm nhìn về phát triển nghề nuôi biển, trong đó kiến nghị tỉnh Bình Thuận tập trung thực hiện thay đổi vật liệu lồng bè truyền thống sang HDFE, xây dựng mô hình nuôi biển kết hợp du lịch tại Phú Quý, đào tạo ngư dân nuôi biển công nghiệp, đồng thời có chính sách quản lý nuôi biển bền vững… Bên cạnh đó, Viện Công nghệ nuôi trồng thủy sản cũng lưu ý đến các cơ sở, hộ nuôi trong tỉnh kinh nghiệm lựa chọn vị trí, khu vực biển để nuôi cá lồng bè theo quy mô công nghiệp. Đồng thời khuyến khích người nuôi nên chuyển đổi công nghệ nuôi lồng bè bằng vật liệu độ bền cao, có khả năng chống chịu sóng gió, thiên tai…
Các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận với mục tiêu hoàn thiện đề án, đánh giá các yếu tố và nguồn lực tác động đến hoạt động nuôi biển, nhằm bố trí các vùng nuôi hợp lý, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến, đưa nuôi biển của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Qua đó, tạo ra lượng hàng hóa đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị hải sản, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ vùng biển, đảo của tỉnh.