Sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế, Bình Thuận được xác định là một trong những trung tâm công nghiệp về năng lượng sạch để từ đó vươn lên trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh, bền vững…
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, địa phương đã chính thức công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào cuối tháng 2 vừa qua. Trong quy hoạch này cũng đề cập phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng như với công nghiệp năng lượng – điện sẽ tập trung phát triển sản xuất điện để sớm đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia. Qua đó còn góp phần đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, điện cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh…
Với điều kiện của vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ và lợi thế nắng gió “trời ban”, tới đây Bình Thuận ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Đó là các nguồn năng lượng như điện gió mà nhất là điện gió ngoài khơi và hydrogen, điện mặt trời, điện khí LNG, đồng thời tiếp tục nghiên cứu khai thác tối đa tiềm năng thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước, thủy điện tích năng tại địa phương… Trên lĩnh vực năng lượng – điện, tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển công nghiệp năng lượng với tốc độ tăng trưởng cao, là ngành có đóng góp lớn nhất vào giá trị tăng thêm của công nghiệp Bình Thuận. Cùng với đó còn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, xúc tiến triển khai các dự án năng lượng và thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng.
Đối với lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo, đến nay trên địa bàn Bình Thuận đã triển khai hàng chục dự án điện gió và điện mặt trời, hiện có 9 nhà máy điện gió (tổng công suất 335 MW) và 26 nhà máy điện mặt trời (tổng công suất 1.072 MW) đang vận hành. Riêng điện gió ngoài khơi, được biết Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã đồng ý chủ trương cho Công ty Enterprize Energy nghiên cứu khảo sát dự án điện gió Thăng Long Wind ngoài khơi Kê Gà với công suất đề xuất là 3.400 MW. Ngoài ra còn có 7 dự án điện gió ngoài khơi khác cũng đăng ký khảo sát trên địa bàn tỉnh với tổng công suất dự kiến khoảng 18.800 MW, trong đó dự án La Gàn được đề xuất công suất 3.500 MW.
Tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao tiềm năng và lợi thế của địa phương, qua đó cũng gợi mở một số định hướng về phát triển kinh tế tỉnh nhà. Trong đó nhấn mạnh Bình Thuận phải tận dụng tiềm năng rất lớn về nắng, gió cho phát triển năng lượng tái tạo, kết hợp với mô hình thủy điện tích năng nhằm tạo ra nguồn điện xanh, ổn định, cân bằng cho hệ thống điện. Và rằng đây sẽ là lợi thế đột phá để địa phương thu hút các nhà đầu tư trong xu thế chuyển đổi xanh của toàn cầu…
Theo định hướng phát triển, trong thời gian tới Bình Thuận sẽ ưu tiên đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Như phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện của tỉnh và khu vực. Tiếp tục nghiên cứu, tạo điều kiện thúc đẩy khai thác, sử dụng năng lượng gió ngoài khơi để sản xuất hydrogen (được xem là năng lượng mới, sạch) nhằm góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng mới cho toàn hệ thống quốc gia, hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp về năng lượng sạch… Trong thu hút đầu tư khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh cũng sẽ chú trọng gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại các hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu.