Hàng trăm ha lúa đang “thì con gái” lẽ ra phải sung sức nhất, xanh tươi để chuẩn bị sinh ra những bông lúa nặng hạt, chất lượng cao. Thế nhưng ở Tánh Linh vụ lúa này hình ảnh ấy không còn, thay vào đó là những cánh đồng lúa vàng úa do thiếu nước, người dân xót lòng nhìn công sức, tài sản trên cánh đồng đang bị nắng hạn “ăn dần” từng ngày…
Thức đêm… cứu lúa
Anh Sơn đang làm gì?
Đang ngủ chứ 20 giờ rồi còn làm gì!
Nước về, ra dẫn nước vào ruộng gấp.
Giỡn hay thiệt vậy ông, tôi ngồi ngoài ruộng chờ chực cả ngày này không thấy, giờ mới về ngủ mà nước về.
Thiệt đó, ra nhanh lên…
Đó là cuộc điện thoại giữa anh Thanh với anh Sơn ở thôn 1, xã Đồng Kho, những người có diện tích lúa bị khô hạn đang chờ nguồn nước thủy lợi…
Tôi về Tánh Linh giữa các cuộc điện thoại, tin nhắn xen lẫn nhau của bà con nông dân phản ánh tình trạng thiếu nước sản xuất, nhiều cánh đồng có thời điểm lúa đang 40 – 50 ngày tuổi nhưng đất nứt, lúa oặt ẹo thiếu sức sống. 12 giờ trưa, tôi có mặt ở cánh đồng Lớn thuộc xã Đồng Kho, trời nắng như đổ lửa nhưng vẫn thấy nhiều nông dân ngồi trên bờ ruộng. Lân la làm quen với anh Sinh, tôi hỏi sao không về nghỉ trưa mà chờ chi cho cực, với lại nắng nóng kiểu này rất dễ gây bệnh? Lấy tay lau mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, giọng anh buồn buồn kể: Làm tới 8 ha lúa, đổ ra quá trời vốn mà giờ hạn một phần, một phần thiếu nước nên đất lúa nứt toác mà không canh nước về để lấy thì ăn có ngon ngủ có yên đâu chú. Vừa nói anh vừa đưa tay chỉ ra đám ruộng trước mắt, lúa đang thì con gái mà cứ vàng vọt, nhiều chỗ đất nứt tách đôi bụi lúa nhìn thấy nhói lòng. Anh Sinh nói thêm: Mà giờ là còn ít người chờ chứ buổi tối hàng trăm người làm lúa ra ngồi chờ nước đông còn hơn đi chợ, chú ra mới thấy cảnh nông dân chờ nước cực thế nào…
Anh Bình đang cân chỉnh máy bơm nước vào hơn 8 giờ tối.
Theo gợi ý của anh Sinh, 8 giờ tối tôi được anh Trịnh Công Tư – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Kho, phụ trách mảng nông nghiệp dẫn ra cánh đồng thôn 1. Dù đã biết trước thông tin nhưng tôi cũng không ngờ là người ra đồng đông đến thế. Những chiếc đèn pin rọi sáng rực cả góc trời. Tiếng máy nổ bơm nước vang vọng cả cánh đồng. Anh Tư cho biết: Vụ đông – xuân năm nay Đồng Kho gieo trồng 642 ha, trong đó có 50 ha ở thôn 1 bị thiếu nước nên ảnh hưởng sinh trưởng của cây lúa rất nhiều. Anh Lê Văn Bình – Tổ trưởng Tổ Thủy nông thôn 1 đang cân chỉnh lại máy bơm dừng tay tâm sự với tôi: Tổ có 5 người, quản lý tưới cho 160 ha nhưng vụ này thiếu nước nên có 50 ha bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dự báo năng suất lúa bị hạn sẽ giảm từ 40 – 50%. Trong ánh sáng lờ mờ của ánh đèn pin, tôi thấy khuôn mặt anh bơ phờ và đôi mắt thâm quầng nên buột miệng hỏi: Thức đêm nhiều hay sao mà nhìn anh mệt mỏi vậy. Ui, mấy anh em phải luân phiên nhau làm ngày, trực đêm lấy nước đưa vào ruộng giúp bà con, chứ nhìn bà con vật vã chờ nước không cầm lòng được…
Mong chờ thủy điện xả nước
Đồng Kho được xem là trung tâm vựa lúa của Tánh Linh, nơi đây từng có câu thơ nổi tiếng:
Cá Biển Lạc, lúa Đồng Kho
Quân dân Bình Thuận ăn no đánh thắng…
Đồng Kho cũng được xem là đầu nguồn nước từ sông La Ngà, nơi có đập tràn Tà Pao, có kênh chính Nam, Bắc dẫn nguồn nước đi về 2 phía nam, bắc của huyện Tánh Linh và Đức Linh nhưng vì sao lại thiếu nước? Đem thắc mắc này hỏi anh Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, anh Phước cho hay: Do thủy điện Đa Mi xả nước không đều, lưu lượng nước ít không đủ tưới. Theo lịch trình 1 tuần xả nước trên kênh tự chảy, 1 tuần xả nước ra sông. Nhưng vụ này nước ít nên thời gian xả trên sông kéo dài từ 10 – 12 ngày và ngược lại trên kênh. Vòng xoay này kéo dài nên dân làm ruộng cả 2 bên đều thiếu nước.
Hôm sau tôi theo đường ruộng từ Đồng Kho cánh đồng các xã trong huyện. Dọc các tuyến kênh, ao hồ đâu đâu cũng thấy dân đặt máy bơm. Anh Nguyễn Thanh Nuôi đang dùng máy bơm đặt cạnh cái ao để bơm nước cho đám ruộng 5 ha của mình, chia sẻ: Nơi này mấy năm trước mùa này nước tự nhiên cộng với nước thủy lợi vào rất nhiều nhưng năm nay nguồn nước thủy lợi ít, thời tiết thì hạn nặng nên lượng nước hạn chế. Bơm 1 ngày nghỉ 3 ngày nên lúa thiếu nước trầm trọng. Ở Gia An, cánh đồng lúa nam sông, bắc sông thiếu nước đã đành. Những đám chân ruộng trồng đậu xanh, đậu phộng cũng bị ảnh hưởng nặng nề, cây đậu phộng vốn chịu hạn khá tốt nhưng có đám cháy vàng rực nhìn mới xót ruột làm sao! Ở Đức Phú, xã cuối cùng nguồn nước của huyện Tánh Linh tôi bắt gặp anh Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú cùng anh Nguyễn Trường Toán – Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Phú đang đi kiểm tra cánh đồng La Ngà, anh Hòa cho biết: Vụ này trong xã gieo trồng 360 ha, trong đó HTX dịch vụ nông nghiệp làm 170 ha nhưng đã có 50 ha bị thiếu nước. Anh Toán nói trong chua chát: Ở Đồng Kho đầu nguồn nước còn thiếu chứ Đức Phú cuối nguồn thì thiếu nước chẳng có gì lạ. Xót là lúa đang độ tuổi chuẩn bị ra bông nhưng hụt nước thì sức đâu nữa để “đẻ” bông!
Theo UBND huyện Tánh Linh, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông – xuân được 11.552 ha, trong đó diện tích cây lúa 9.019 ha. Hiện có khoảng 2.000 ha lúa đông xuân sớm tại Đức Phú, Măng Tố, Bắc Ruộng, Đức Thuận, Lạc Tánh, Huy Khiêm và Gia An đang giai đoạn chín – thu hoạch, diện tích còn lại chủ yếu đang ở giai đoạn trổ đòng. Nước phục vụ sản xuất diện tích tưới vụ đông xuân 2023 – 2024 từ các công trình trạm bơm điện và đập tự chảy trên 7.382 ha. Tuy nhiên, từ đầu tháng 1/2024 đến nay trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, lưu lượng xả Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi thấp dao động khoảng 25 – 27 m3/s (chưa đúng theo nội dung làm việc đã thỏa thuận là 32 m3/s), mực nước sông La Ngà cạn gây khó khăn trong công tác bơm tưới phục vụ sản xuất cho các diện tích sản xuất đông xuân 2023 – 2024 trên địa bàn huyện. Hiện nay, diện tích một số khu vực cánh đồng xảy ra thiếu nước, khả năng khô cháy nếu không được bổ sung nguồn nước tưới kịp thời. Qua rà soát diện tích xảy ra thiếu nước khoảng trên 470 ha, cây lúa giai đoạn 40 – 70 ngày tuổi, thời gian xảy ra thiếu nước khoảng 5 – 7 ngày, cá biệt có khu vực thiếu nước trên 10 ngày. Trong số cánh đồng thiếu nước, Gia An là xã có diện tích bị thiếu nước nhiều nhất 200 ha, Đức Phú 170 ha, Đồng Kho 50 ha và Lạc Tánh, Măng Tố mỗi xã 25 ha. Vì vậy huyện rất mong Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi xả nước đúng lưu lượng để cứu lúa giúp dân…
Một đêm thức trắng cùng dân và 2 ngày đi trên các cánh đồng khô hạn, nhìn những đám lúa thiếu nước tôi cảm thấy chạnh lòng. Đâu đó câu nói của nông dân vẫn cứ văng vẳng bên tai: Hàng ngàn nông dân làm lúa đều đặt hy vọng vào vụ đông – xuân, bởi vụ mùa và hè thu hay gặp bão lụt, mất mùa, vụ đông – xuân chủ động được nước như ông bà ta vẫn thường nói: “Nhất nước, nhì phân…” thì sẽ thành công nhưng năm nay thiếu nước xem như…