Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đối với ngành thủy sản nói riêng và cả nước nói chung trong tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản của Việt Nam. Do đó, nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết được UBND tỉnh đặt ra, nhất là khoảng thời gian đến 30/4/2024, để chuẩn bị đón, làm việc với Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra Việt Nam lần thứ 5.
Có nhiều chuyển biến
Sở Nông nghiệp và PTNT và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là 2 lực lượng nòng cốt, giữ vai trò chủ công trong công tác này. Vì vậy, 2 ngành đã phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với mong muốn kiểm soát, ngăn chặn tàu cá, ngư dân tuyệt đối không vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.
Những năm qua, nhờ có sự thống nhất cao từ lãnh đạo 2 ngành đến các đơn vị trực thuộc, công tác phòng chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2023, các cơ quan quản lý thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật, trọng tâm là Luật Thủy sản 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP, Nghị định 42/2019/NĐ-CP, các nội dung về phòng, chống khai thác IUU. Trong đó, tập trung đối tượng tàu cá hoạt động khai thác xa bờ, các nhóm nghề có nguy cơ vi phạm quy định pháp luật về khai thác IUU, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương tổ chức 15 lớp tuyên truyền cho hàng ngàn ngư dân tham dự, cấp phát hàng ngàn tờ rơi các loại và móc khóa tuyên truyền, thực hiện 20 lượt nhắn tin cho 75.464 tin nhắn thành công đến chủ tàu, thuyền trưởng trong tỉnh. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã tổ chức 872 buổi tuyên truyền, cấp phát 300 pa nô, áp phích và hơn 4.500 tờ rơi cho các đồn biên phòng triển khai công tác tuyên truyền liên quan đến công tác chống khai thác IUU. Qua công tác tuyên truyền, đã góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, công tác đăng ký, đăng kiểm và lắp đặt thiết bị VMS cũng được lực lượng 2 ngành phối hợp chặt chẽ trong thực hiện. Qua đó, công tác đăng ký, đăng kiểm, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển có chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 1.948/1.948 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đang hoạt động đã thực hiện lắp đặt VMS đạt 100%.
Quyết tâm gỡ “thẻ vàng”
Thời gian qua, lực lượng Kiểm ngư và Bộ đội Biên phòng đã tập trung tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, về quản lý tàu cá và về an ninh trật tự trên biển. Lập hồ sơ xử phạt tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU như: Không duy trì kết nối thiết bị VMS; không giấy phép khai thác thủy sản, không ghi, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định. Bên cạnh đó, lực lượng 2 ngành cũng phối hợp tốt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên biển, đảm bảo an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội trên các vùng biển. Qua đó, đã giúp ngư dân nhận thức và hiểu được pháp luật về thủy sản. Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bước đầu được ngăn chặn; phát huy tốt cơ sở dữ liệu giám sát hành trình tàu cá và cảnh báo vượt ranh giới. Đồng thời, hoạt động thanh tra, kiểm soát nghề cá tại Văn phòng kiểm soát nghề cá được tăng cường, góp phần phòng, chống khai thác IUU.
Thượng tá Phạm Xuân Độ – Phó Chỉ huy trưởng – Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ: “Để công tác phòng chống IUU đạt hiệu quả hơn, trong năm 2024, 2 ngành sẽ tiếp tục ký kết công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo chuyên ngành. Để chuẩn bị làm việc với đoàn Thanh tra EC lần 5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thường xuyên, liên tục cho các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân hiểu về các quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát, nắm chắc tình hình và đưa các tàu có nguy cơ cao xâm phạm vùng biển nước ngoài vào danh sách theo dõi đặc biệt. Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, ngư dân trước khi xuất bến, buộc các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, ngành đang phối hợp các lực lượng liên quan tiếp tục điều tra, xác minh xử lý các vụ việc tàu cá bị nước ngoài bắt và sẽ tuyên truyền rộng rãi trên thông tin đại chúng cũng như xử phạt nặng tay nhằm răn đe. Đồng thời, sẽ phát huy hoạt động của hệ thống giám sát VMS, nhằm kịp thời phát hiện tàu thuyền đang hoạt động vùng giáp ranh, manh nha xâm phạm vùng biển nước ngoài, thông báo cho lực lượng liên quan kịp thời cảnh báo các trường hợp này, không để xảy ra tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài”.
2 ngành phối hợp càng chặt chẽ, chống khai thác IUU càng hiệu quả. Do đó, 2 ngành đã đề ra những nhiệm vụ rất cụ thể, trước mắt là dồn lực thực hiện trọng tâm các giải pháp trong đợt cao điểm từ đây đến 30/4. Mục tiêu cuối cùng chúng tôi hướng tới là giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, khai thác nghề cá bền vững, vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự trên biển, góp phần cùng các ngành, các cấp thực hiện gỡ “thẻ vàng” trong năm nay.
Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định