Áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Áo dài được phụ nữ mặc nhiều trong các sự kiện, ngày lễ, tết, cưới hỏi và ngày nay áo dài được nhiều nữ công chức, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên chọn mặc khi đi làm, học tập.
Một ngày làm việc như mọi ngày của những nữ viên chức Bảo hiểm xã hội tỉnh, nhưng hôm nay thay vì khoác trên mình bộ quần áo công sở thì các chị lại chọn trang phục áo dài. Trong tà áo xanh, dường như nhìn ai cũng duyên dáng, thướt tha, dịu dàng hơn. “Thả dáng” và chụp lại những hình ảnh đẹp trước giờ làm việc, các chị đều cho biết rất yêu áo dài Việt Nam bởi sự kín đáo, nhẹ nhàng, vừa nhã nhặn, sang trọng. Áo dài phù hợp với mọi dáng người nên khi khoác lên các chị thấy rất tự tin, kiêu hãnh. Vì thế trong các sự kiện quan trọng, áo dài luôn là sự lựa chọn tối ưu nhất…
Để tôn vinh áo dài, những năm qua, cứ đến dịp chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lại phát động “Tuần lễ áo dài”. Sự kiện nhằm góp phần tôn vinh giá trị của áo dài, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản áo dài trong cộng đồng. Đồng thời là dịp để giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Từ “Tuần lễ áo dài” năm 2024, chị em phụ nữ ở Bình Thuận đã hưởng ứng nhiệt tình và mặc áo dài khi đi làm, tham gia các sự kiện văn hóa, văn nghệ và mong muốn đây sẽ là hoạt động thường niên hàng năm góp phần nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới.
Chị Trần Thị Đình Hương – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hàm Tân cho biết: Ngay trong sáng 1/3/2024, toàn thể cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hàm Tân đã rạng rỡ mặc áo dài tại nơi làm việc. Tại các cơ sở Hội trên địa bàn cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” từ ngày 1 – 8/3, như đăng tải hình ảnh mặc áo dài trên zalo, facebook, fanpage của Hội, giao lưu dân vũ, trình diễn áo dài và phát động tặng áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn… qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội phụ nữ trong tham gia bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Còn tại nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh, nữ đoàn viên, công nhân viên chức lao động đã chọn mặc áo dài vào ngày thứ hai đầu tuần và trong đợt sinh hoạt ngày 8/3. Ngoài ra, các công đoàn cơ sở tiếp tục hưởng ứng chương trình “Tặng áo dài, trao gửi yêu thương, giữ gìn nét đẹp truyền thống năm thứ 2” do Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh phát động cho nữ công nhân lao động và con công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu vực miền núi…
Xuất hiện đầu tiên vào thời trị vì bởi chúa Nguyễn Phúc Khoát ở phía Nam, khoảng năm 1744, chiếc áo Giao lĩnh khi ấy có kích thước rộng, thân áo được may bằng 4 tấm vải, dài đến chấm gót chân, xẻ hai bên hông, phần tay áo dài, cổ tay rộng. Áo mặc cùng váy đen bên trong và thắt lưng vải bên ngoài. Đến nay, theo thời gian, chiếc áo dài có sự cách tân, cải tiến để phù hợp với xu hướng hiện đại, tuy nhiên nhìn chung vẫn giữ được cốt cách, giá trị vốn có. Mỗi khi người phụ nữ khoác lên mình tà áo dài đều thể hiện được sự đằm thắm, trang nhã mà vẫn lộng lẫy, kiêu sa, không trang phục nào có được.
Nếu như Hàn Quốc có Hanbok, Nhật Bản có Kimono… thì Việt Nam được biết đến với tà áo dài duyên dáng. Từ “Áo dài” đã được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là một loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.