Sáng 21/2, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy khóa XIV về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Đoàn Anh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV và lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh.
Chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả tích cực
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy khóa XIV về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã đạt và vượt 5/14 chỉ tiêu cụ thể theo Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy khóa XIV đề ra, gồm: 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế – xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được thực hiện qua hệ thống thông tin báo cáo của UBND tỉnh và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 80% hộ gia đình, trường học, bệnh viện (đạt 92%); Tỷ lệ phổ cập dịch vụ mạng băng rộng di động 4G/5G đạt 100%; Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt 50% (đạt 67%).
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu chuyên ngành từng bước được xây dựng, phát triển và đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả. Các hệ thống thông tin, nền tảng số được tập trung triển khai và vận hành như: Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát, khai thác tài nguyên khoáng sản; thông tin quy hoạch sử dụng đất và tra cứu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hệ thống lưu, truyền ảnh y khoa và hệ thống kết nối chẩn đoán hình ảnh trong Bệnh viện đa khoa tỉnh; đã triển khai sử dụng hệ thống thông tin quản lý ngành giáo dục cho 746 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT đạt tỷ lệ 100; số hóa quy trình triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm; số hóa trên lĩnh vực văn hóa, du lịch… Tỉnh cũng đã triển khai Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Phan Thiết (IOC Phan Thiết), thí điểm vận hành Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Bình Thuận (IOC Bình Thuận), ứng dụng CDS Bình Thuận trên các thiết bị di động thông minh (điện thoại di động, máy tính bảng)… cung cấp nhiều tiện ích cho người dân, tăng cường việc tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường điện tử.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, chuyển đổi số vừa là thách thức vừa là cơ hội để tỉnh bứt phá, chuyển đổi toàn diện để vươn lên tầm cao mới trong quá trình tham gia vào cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0. Để kịp thời nắm bắt cơ hội đưa tỉnh Bình Thuận tăng tốc, phát triển nhanh, bền vững và góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cũng như Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đã đề ra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển đổi tư duy số, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về tính cấp thiết của chuyển đổi số. Đặc biệt là phải biết vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số. “Cần triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy nhằm đạt được các chỉ tiêu mà nghị quyết đã xác định. Đồng thời đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng số thuộc các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số mà Nghị quyết số 10 đã xác định. Trong đó, có các lĩnh vực như quy hoạch, tài nguyên môi trường, đầu tư, xây dựng… để tạo tiền đề cung cấp dữ liệu phù hợp cho các tổ chức cá nhân khai thác sử dụng theo quy định và thực hiện kết nối, tích hợp đồng bộ với cơ sở dữ liệu Quốc gia”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ, của tỉnh nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chuyển đổi số. Đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người lao động, người dân về chuyển đổi số. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để đội ngũ này trở thành các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật nòng cốt, tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số.
Chuyển đổi số vẫn gặp nhiều khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế trong công tác chuyển đổi số cần được quan tâm. Đó là, kết quả chuyển đổi số trên một số ngành, lĩnh vực chưa rõ nét, tốc độ chuyển đổi chậm, chưa chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức để tạo thói quen sử dụng dịch vụ còn hạn chế. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; chuyển đổi số của người dân còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc. Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Việc số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành cấp tỉnh còn rất hạn chế; nhiều quy trình nghiệp vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị chưa có các nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động. Chuyển đổi số chưa giúp cải thiện, nâng cao các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh như: PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS… Hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng chưa đạt yêu cầu đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số dẫn đến việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số chưa sát với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ được tỉnh giao. Chủ tịch tỉnh cho biết, thậm chí người đứng đầu ở một số ngành của địa phương còn chưa quan tâm, quyết liệt trong công tác chuyển đổi số. “Qua kiểm tra nhận thấy nhiều đồng chí chưa sâu, chưa sát, chưa cụ thể về vấn đề này, hoặc một số đồng chí phó thác cho cấp phó của mình”, Chủ tịch tỉnh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cũng đã đề xuất một số giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy như: Tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh của tỉnh, của thành phố Phan Thiết, đồng thời, tổ chức nhân rộng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tại thị xã La Gi…
Cũng tại hội nghị, các Sở, ngành và địa phương đã trình bày nội dung tham luận, nhìn nhận những kết quả đạt được cũng như làm rõ nguyên nhân dẫn đến các hạn chế và đề ra những giải pháp mang tính định hướng, tiếp tục nhân rộng các cách làm hay trong việc thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy khóa XIV thời gian tới.